Nông dân thi đua lao động, sản xuất

15:14 - Thứ Sáu, 11/08/2023 Lượt xem: 6213 In bài viết

ĐBP - Xuất phát điểm còn khó khăn, song bằng ý chí, nghị lực vươn lên, từ các mô hình phát triển kinh tế, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu ở địa bàn dân cư; từ đó cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của gia đình ông Hồ Chang Páo, bản Mường Toong 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ảnh: Quang Long

Nhắc đến ông Giàng A Vàng ở bản Ngã Ba, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé), người dân trong vùng không ai là không biết. Bởi ông Vàng là một trong những gương điển hình về nghị lực và phát triển kinh tế. Hiện ông đang sở hữu mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) với đầy đủ vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà...) cùng các loại cây ăn quả; mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo lời kể của ông Vàng, chừng 10 năm trước, điều kiện gia đình khó khăn, nhà cửa tạm bợ, tư liệu sản xuất lại ít nên đời sống rất vất vả. Dẫu vậy, không cam chịu đói nghèo, ông đã bứt phá vươn lên bằng cách mạnh dạn đi vay vốn để làm ăn. Với số tiền hơn 50 triệu đồng và một ít vốn tích góp được, ông đầu tư đào 2.000m2 ao thả cá. Ngoài ra, ông còn mua thêm một số diện tích đất nương của bà con để canh tác, trồng gần 700 gốc xoài Thái; kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ông Vàng cho biết, được tạo điều kiện vay vốn và tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, bản thân đã làm chủ một số kĩ thuật cần thiết để áp dụng vào thực tiễn, do vậy cuộc sống gia đình cơ bản ổn định.

Ở TX. Mường Lay, sau khi thực hiện công cuộc tái định cư, cái khó của người nông dân là tình trạng thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, nhờ có định hướng phát triển phù hợp, nhiều nông dân đã chuyển đổi tư duy sản xuất, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ở địa phương để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Thanh Dân, tổ dân phố 3, phường Sông Ðà. Ông Dân đến với nghề chăn nuôi từ năm 2015. Từ nguồn vốn tích luỹ, ban đầu ông mua 10 con bò giống về nuôi. Chỉ sau 1 năm đàn bò đã sinh sản lứa bê đầu tiên. Nhận thấy nuôi bò sinh sản không quá phức tạp mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Dân thường xuyên duy trì ổn định đàn bò sinh sản từ 12 - 15 con.  Từ số tiền bán bò giống, mỗi năm gia đình ông Dân thu về khoản tiền lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Dân chia sẻ: “Ở TX. Mường Lay, các hộ dân đều cần cù, chịu khó làm ăn. Ðặc biệt, tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều hộ đã bứt phá vươn lên làm giàu bằng nhiều mô hình khác nhau. Ðến nay, ngày càng nhiều hơn các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Riêng trong năm 2023, toàn thị xã chúng tôi có gần 120 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”.

Tạo động lực cho nông dân vượt khó vươn lên, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua nhiều năm phát động, đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng tới các thôn, bản, thực sự tạo ra bước chuyển đổi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã năng động, cần cù chịu khó, kiên trì khắc phục mọi khó khăn với ý chí tự lực, tự cường. Họ cũng thường xuyên chuyển đổi nhận thức, đầu tư khai thác tiềm năng lao động, đất đai, vốn vào sản xuất và mở rộng các ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm hàng hoá, phát huy lợi thế của địa phương, nhiều mô hình phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó giúp bản thân, gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Một trong những yếu tố để xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh không thể không kể đến công tác thu hút, tập hợp, phát triển hội viên. Song muốn phát triển và tập hợp hội viên thì đời sống nhân dân phải ổn định và Hội phải là chỗ dựa tin cậy cho hội viên. Do đó, hàng năm, Ban Thường vụ Hội các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của tổ chức hội; vận động xã hội, huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Ðặc biệt, thực hiện Nghị định 78/2002/NÐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo mọi điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Qua nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo và hàng trăm hộ trở thành hộ khá, giàu… Không những thế, nhiều gương nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cũng như thu hút hội viên tham gia.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top