Sẵn sàng cung ứng hàng hóa dịp cuối năm

08:42 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 3405 In bài viết

ĐBP - Xác định nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân tăng cao, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm, hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ hàng hóa bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã. Đồng thời có các chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng.

Dự báo sức mua tăng cao trong dịp cuối năm, nên từ quý IV các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ từ 10 - 30% so với các tháng trước. Cùng với việc dự trữ hàng hóa phục vụ người dân, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh…

Siêu thị Hoa Ba chủ động tăng dự trữ hàng hóa và đưa ra các chương trình khuyến mại.

Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh, hàng hóa nội địa đa dạng hơn về chủng loại và mẫu mã sản phẩm, chất lượng cũng được nâng cao để có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Như tại Siêu thị Hoa Ba hiện có khoảng trên 30.000 mặt hàng các loại. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, đơn vị nhập thêm các loại hàng hóa; đồng thời, áp dụng nhiều chương trình khuyến mại sản phẩm. Nhờ đó, lượng khách thời điểm cuối năm tăng cao hơn so với những ngày thường.

Các cửa hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, phụ kiện... thời điểm này cũng đã triển khai nhiều chương trình giảm giá để tăng sự chú ý, nâng cao sức mua của khách hàng, như: Tri ân khách hàng, xả hàng cuối năm, bán hàng đồng giá...

Để kích cầu tiêu dùng, một số cửa hàng Điện máy giảm giá 30 - 50% sản phẩm và hỗ trợ mua trả góp 0 đồng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, chủ shop quần áo trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Cuối năm, nhu cầu mua sắm quần áo của người dân tăng cao, để thu hút khách, cửa hàng đã chủ động chạy các chương trình khuyến mại, như mua quần áo tặng kèm quà hoặc giảm giá”.

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, cửa hàng, để đón đầu sức mua sắm của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm, ngành chức năng tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cũng như phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ trên địa bàn.

Riêng trong tháng 11, toàn tỉnh có gần 2.200 cuộc khuyến mại được các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng. Sở Công Thương đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện “Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” trên địa bàn tỉnh từ ngày 4/12/2023 - 10/1/2024 đến tất cả các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để triển khai thực hiện.

Thông qua các hoạt động khuyến mại nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Nhờ đẩy mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nên trong những tháng cuối năm, sức tiêu dùng của người dân tăng lên, góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ của tỉnh khởi sắc.

Riêng tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 6,43% so với tháng trước và tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt hơn 1.652 tỷ đồng; lưu trú, ăn uống đạt 85,5 tỷ đồng và dịch vụ khác ước đạt 82 tỷ đồng.

Không chỉ tại đô thị, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các xã vùng cao cũng tăng cường dự trữ hàng hóa phục vụ người dân cuối năm.

Để kích cầu tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng, khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc kích cầu tiêu thụ hàng hóa, Sở chú trọng việc bình ổn giá cả thị trường; tăng cường công tác theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn, bán lẻ để nắm được nguồn cung cũng như giá cả các mặt hàng.

Lực lượng quản lý thị trường TP. Điện Biên Phủ kiểm tra thủ tục, điều kiện kinh doanh cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm, như: Quần áo, giày dép, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu, lương thực, thực phẩm, hoa quả và triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá thị trường.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top