Kinh tếMôi trường rừng

Hiệu quả sau nâng mức chi trả DVMTR ở Mường Ảng

15:07 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 2505 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Ảng là địa bàn duy nhất ở tỉnh Ðiện Biên có 100% diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đều thuộc lưu vực sông Mã. Do đó, khi chưa điều tiết nâng mức chi trả, người dân không mặn mà với việc nhận nguồn tiền này. Bởi nguồn chi trả khi đó chưa đầy 6 nghìn đồng/ha/năm. Có những chủ rừng diện tích được chi trả dưới 1ha nên cả năm họ chỉ được nhận vài ba nghìn đồng.

Do đó, nhiều hộ đã không lĩnh tiền chi trả DVMTR, gây khó khăn cho việc chi trả. Cũng vì vậy mà việc bảo vệ, phát triển rừng có phần hạn chế. Ðiều đó phần nào khiến cho hàng năm vẫn xảy ra các vụ cháy rừng, phá rừng làm nương. Nhưng từ khi mức chi trả DVMTR được điều tiết từ một số nguồn, nâng lên hơn 400 nghìn đồng/ha/năm, tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân đã có chuyển biến rõ rệt.

Cán bộ kiểm lâm huyện Mường Ảng xác định ranh giới rừng cho cộng đồng bản Xuân Ban, xã Ngối Cáy.

Hiện toàn huyện có gần 12.600ha được hưởng chi trả DVMTR, tương ứng với số tiền được chi trả mỗi năm trên 4,7 tỷ đồng. Bà con đã tận tay được nhận khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức cao gấp hàng trăm lần so với trước đây, cộng với sự nỗ lực của địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, giao khoán rừng nên những cánh rừng ở Mường Ảng ngày càng thêm xanh. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cho biết: “Qua nắm bắt tình hình tư tưởng của bà con thì khi có tiền chi trả DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của bà con đã nâng cao rõ rệt, không còn tình trạng phá rừng làm nương nữa vì người dân hiểu được cái lợi từ rừng, đặc biệt là lợi trực tiếp từ tiền chi trả này. Từ đó bà con nâng cao trách nhiệm, cộng đồng gắn trách nhiệm với nhau và các đối tượng từ ngoài vào có tư tưởng phá rừng cũng bị ngăn chặn”.

Người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng nên nhiều khu vực đất trống, đồi trọc trước đây đã thay thế bằng màu xanh của rừng. Tổng diện tích rừng của huyện Mường Ảng hiện có gần 14.400ha, trong đó có gần 13.000ha rừng tự nhiên, rừng trồng đã thành rừng trên 1.230ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 33% (tăng 3% so với năm 2018) - trước thời điểm thực hiện nâng mức tri trả. Ðể có được thành quả này là do nhiều yếu tố, nhưng không thể không kể đến những chính sách hỗ trợ phát triển rừng, trong đó có chính sách chi trả DVMTR. Ông Lò Văn Thơi, Trưởng bản Cáy, xã Ngối Cáy cho biết: “Trước kia tiền chi trả DVMTR hơi ít, nhưng bà con chúng tôi cũng vẫn cứ bảo vệ rừng. Năm 2018 bà con nhận được tiền chi trả DVMTR tăng lên khá cao, tôi cùng với bà con phấn đấu làm sao bảo vệ rừng được tốt hơn, thêm nữa là công tác trồng rừng cũng phát triển hơn, chúng tôi cũng phấn khởi”.

Chi trả DVMTR đã đem lại lợi ích kép cho người dân, nhất là hiện nay những diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã cũng được tăng mức chi trả như ở huyện Mường Ảng. Ðây là yếu tố tiếp thêm động lực giữ rừng đối với người dân. Ðiển hình như tại xã Ngối Cáy, toàn xã hiện có trên 1.430ha rừng được chi trả DVMTR. Với mức chi trả hiện nay, mỗi năm xã được nhận gần 600 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, trong đó phần lớn chủ rừng là cộng đồng các bản. Bởi vậy, hàng năm, mỗi bản đều trích một số tiền nhất định để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, trách nhiệm giữ rừng của người dân nói chung, các tổ, đội bảo vệ rừng nói riêng được nâng lên. Nhất là trách nhiệm của bà con trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã Ngối Cáy không xảy ra các vụ cháy rừng lớn. Không chỉ thực hiện tốt việc bảo vệ, người dân Ngối Cáy, nhất là các bản vùng cao đang tích cực phát triển rừng bằng việc trồng mới và khoanh nuôi tái sinh, nhằm tăng diện tích, nâng cao độ che phủ rừng ở địa phương. Ông Lò Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ngối Cáy cho biết: “Từ khi có quỹ chi trả DVMTR, nhận thức của bà con trong việc bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Công tác quản lý, bảo vệ rừng hàng năm tại các bản được nâng lên. Từ quỹ chi trả DVMTR cũng làm cho bà con thấy được những lợi ích từ rừng và chuyển từ đất nương sang khoanh nuôi tái sinh rừng, đặc biệt trong những năm gần đây công tác vận động trồng rừng tại xã cũng có những thuận lợi, hằng năm xã đều vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng huyện giao”.

Ngoài lợi ích trước mắt là hưởng tiền chi trả DVMTR và các nguồn hỗ trợ khác, việc trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng còn giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Bởi với các diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Mường Ảng hiện nay một phần là rừng sản xuất nên bà con được khai thác. Hiện huyện Mường Ảng cũng đã chủ động liên kết với các đơn vị tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ để tiêu thụ sản phẩm cho bà con sau khi rừng sản xuất cho khai thác. Ðặc biệt là kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy điện sinh khối trên địa bàn. Ðó là yếu tố tạo thêm niềm tin cho người trồng rừng, gắn bó lâu dài với rừng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàn (Huyện Mường Ảng)
Bình luận

Tin khác

Back To Top