Y tếPhòng, chống HIV

50% người nhiễm HIV mới là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

17:11 - Thứ Sáu, 18/11/2022 Lượt xem: 28878 In bài viết

9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, 1.378 người tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm, phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV.

 

Chiều 17/11, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) gặp mặt báo chí thông tin về "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" và "Ngày thế giới phòng, chống AIDS" (1/12). Theo báo cáo của Ths Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trên thế giới đến nay có 30,8 triệu người nhiễm HIV. Năm 2021 có khoảng 1,5 triệu người nhiễm mới và 650.000 người tử vong.

 

Xu hướng nhiễm HIV mới và số tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm qua hằng năm, nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tốc độ tử vong cũng giảm chậm hơn.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 người. Tích luỹ từ năm 1990 đến nay, đã có 112.368 người tử vong do HIV/AIDS.

Theo ông Sơn, 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, 1.378 người tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm, phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV. Trong 3 năm gần đây, xu hướng phát hiện người nhiễm HIV mới tăng lên 13.000-14.000 người/năm. Số phát hiện mắc nhiều là các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh (28%) và đồng bằng sông Cửu Long (26%). Tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84-86%). Đường lây HIV chủ yếu hiện nay là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

"Dịch HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý, thì nay 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); bạn tình của người nhiễm HIV trong nhóm này là những người có nguy cơ rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi, đây là quan ngại lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Dự báo HIV trong nhóm này tiếp tục gia tăng trong thời gian, bởi nhóm này lớn, các nguy cơ khác vẫn tồn tại và độ bao phủ điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) mới có 30.000 người", ông Sơn bày tỏ lo lắng.

Theo lãnh đạo Cục HIV/AIDS, mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh, thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn.

Để đạt được mục tiêu, theo Cục HIV/AIDS cần phát hiện sớm người nhiễm mới để khống chế, khoanh vùng và kịp thời điều trị thuốc ARV để giảm tải lượng virus. "Người nhiễm HIV mới khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn này nồng độ virus cao. Khi phát hiện ca nhiễm mới, phải nhanh nhất để đưa những người này có nồng độ virus xuống thấp nhất để giảm lây nhiễm ra cộng đồng", ông Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, đến nay kỳ thị vẫn là rào cản lớn để ngăn chặn mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được bằng cách tuyên truyền, giáo dục và tăng cường truyền thông cho cộng đồng những triển vọng của khoa học điều trị HIV, để người dân không kỳ thị người có H, giúp họ tự tin xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị thuốc ARV, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top