Sự kiện & Bình luận
ĐBP - Chính phủ vừa ban hành gói an sinh xã hội lên tới 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Vậy là trong 2 năm liên tiếp (2020 - 2021), sau 4 lần dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, bùng phát và diễn biến phức tạp trên cả nước, Chính phủ đã 2 lần ban hành gói an sinh xã hội lên tới 88.000 tỷ đồng (gói an sinh lần đầu 62.000 tỷ đồng). Nguồn kinh phí Nhà nước bỏ ra, dù ít, dù nhiều, mục đích tối thượng là để “cứu cánh” doanh nghiệp, người dân, người lao động… gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Với chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, người dân phần nào yên tâm, tin tưởng và sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt; hướng tới tương lai lâu dài khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các cấp, ngành tỉnh Điện Biên cũng đã vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, người lao động… ảnh hưởng bởi Covid-19 hoàn thiện các thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ. Do chính sách mới, đối tượng ảnh hưởng rộng, nhiều thành phần khác nhau nên việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ thường chậm so với mong muốn của đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, với giải pháp chỉ đạo là hoàn thiện nhanh thủ tục nhưng phải đúng đối tượng, tránh khiếu nại, kiện cáo… nên những cán bộ được giao nhiệm vụ thống kê, rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng đã nâng cao ý thức, làm việc cẩn trọng, công tâm, khách quan.
Do vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên việc giải ngân, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng bởi Covid-19 của tỉnh cũng chậm như nhiều tỉnh, thành phố khác. Nhiều người lao động, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục, nhưng phải đợi một thời gian, qua các khâu rà soát, cập nhật, đối chiếu… mới được nhận tiền nên đã nảy sinh tâm lý chán nản, hoài nghi tính ưu việt của chính sách. Đây cũng là tình trạng chung, dẫn tới gói hỗ trợ an sinh lần 1 (62.000 tỷ đồng) của Chính phủ trên cả nước đạt tỷ lệ rất thấp. Tính đến tháng 6/2021, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mới thực hiện được 0,19% hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1%, còn hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng phải chấm dứt hợp đồng... cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 - 0,49%...
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì phần lớn các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nặng nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 này, nhiều doanh nghiệp phải bố trí cho công nhân, người lao động làm việc luân phiên. Do thiếu việc làm, ảnh hưởng đến doanh thu nên doanh nghiệp phải cắt giảm lương công nhân, người lao động. Có những doanh nghiệp, nhất là nhóm kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải… phải cho trên 50% công nhân, người lao động tạm thời nghỉ việc, đã trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của người lao động. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng như các thành viên mong muốn, khi có gói an sinh 26.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp sẽ gấp rút hoàn thiện thủ tục theo quy định để Nhà nước hỗ trợ tiền cho công nhân, người lao động chi tiêu cuộc sống.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, Chính phủ hành động rất nhanh, ban hành các gói an sinh rất kịp thời, yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động… bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi về địa phương, do nhiều thủ tục lằng nhằng nên mấy tháng sau, có nơi cả năm sau doanh nghiệp vẫn không nhận được tiền. Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội phải cho người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19 ứng tiền hỗ trợ trước rồi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nhận tiền sau. Doanh nghiệp đã khó khăn do giảm doanh thu, lợi nhuận, nay lại phải ứng tiền trước hỗ trợ công nhân, người lao động nên khó chồng lên khó.
Các doanh nghiệp cho rằng, khi có chính sách an sinh của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ban, ngành chỉ đạo quyết liệt các bộ phận liên quan tập trung hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục hỗ trợ tiền cho bà con. Nếu còn những thủ tục rườm rà, “hành là chính” ở cấp địa phương thì những nỗ lực của Đảng, Nhà nước sẽ không hiệu quả, thậm chí nhiều người bỏ cuộc vì "một tiền gà ba tiền thóc".
Trong thực hiện gói chính sách an sinh 26.000 tỷ đồng lần này, Chính phủ nên đưa ra điều kiện đó là: Để dân không tiếp cận được khoản tiền hỗ trợ vì vướng thủ tục thì lỗi thuộc về những người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Có như thế thì những người có trách nhiệm mới đề ra các giải pháp hay, chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ, yêu cầu làm ngày làm đêm vì người dân được.