Chiều 4-10, hai viện của Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Fumio Kishida, tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng. Tối 4-10, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và nội các đã tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Hoàng cung. Trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, ông Kishida sẽ phải xử lý hàng loạt vấn đề cả đối nội và đối ngoại.
Con nhà nòi
Ông Kishida Fumio sinh ngày 29-7-1957 tại Tokyo trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông nội là Hạ nghị sĩ trước và sau thời chiến tranh. Bố ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Anh trai của ông từng là Bộ trưởng Kinh tế và Sản nghiệp Nhật Bản.
Thời tiểu học từ năm lớp 1 đến lớp 3, ông Kishida đã học tại NewYork, Mỹ do cha ông làm việc tại đây. Tháng 6-1966, gia đình ông trở về nước. Năm 1973, theo học tại trường Phổ thông trung học Kaisei, có nhiều thành tích trong bộ môn bóng chày. Sau này bóng chày là môn thể thao ông yêu thích. Ông tốt nghiệp chuyên ngành pháp lý Đại học Waseda. Sau khi ra trường, ông Kishida trở thành nhân viên tại một ngân hàng ở Tokyo. Năm 1987, ông làm thư ký cho một nghị sĩ quốc hội.
Năm 1993, lần đầu tiên ông trở thành ứng cử viên của đảng Tự do Dân chủ (LDP) tham gia vào cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 40 và trúng cử. Sau đó, liên tiếp 9 kỳ bầu cử, ông đều trúng cử.
Từ năm 1999 đến năm 2011, ông Kishida kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong nội các và đảng cầm quyền, trong đó có vị trí Quốc vụ khanh phụ trách Okinawa và Vùng lãnh thổ Phương Bắc vào năm 2007; Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêu dùng vào năm 2008 và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc hội của LDP vào năm 2011.
Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe và giữ chức vụ này cho tới tháng 8-2017. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị này, ông đã từng tới thăm Việt Nam vào cuối tháng 7-2014.
Năm 2015 ông là Bộ trưởng Ngoại giao. Tháng 7-2017 là Bộ trưởng Phòng vệ, sau đó là Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của đảng LDP. Tháng 9-2020, ông từng tham gia tranh cử Thủ tướng Nhật Bản khi ông Abe Shinzo từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Nhưng thời điểm đó số phiếu của ông thấp hơn ông Suga Yoshidide khá nhiều.
Từ lâu, trong nội bộ LDP và dư luận Nhật Bản đã nhận định ông Kishida là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng. Ông Kishida là người được cho là có lối sống lành mạnh và giản dị. Ông có sở thích là tham gia vào mạng xã hội. Ông cũng lập trang web riêng và dùng Twitter. Trên trang cá nhân này, ông đăng những quan điểm, chính sách của mình, nhất là khi tham gia tranh cử, hàng loạt các chính sách được đăng và nhận được sử ủng hộ của nhiều người dân và chính khách Nhật Bản.
Những thách thức chờ đợi
Trong thành phần nội các mới, Thủ tướng Kishida giữ lại 2 vị trí trong nội các của người tiền nhiệm Yoshihide Suga là Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi. Vị trí được điều chuyển là ông Koichi Hagiuda, người đã giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ trong nội các của cựu Thủ tướng Suga, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Trong số các gương mặt mới, đáng chú ý có ông Hirokazu Matsuno, làm Chánh Văn phòng Nội các, người đã từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ trong chính quyền của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là vị trí quan trọng thứ 2 trong nội các, có nhiệm vụ điều phối chính sách giữa các bộ, ngành và là người phát ngôn cao nhất của chính phủ.
Thủ tướng Kishida cũng bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Môi trường Shunichi Suzuki, con trai của cựu Thủ tướng Zenko Suzuki và cũng là em rể của tân Phó chủ tịch LDP Taro Aso, làm Bộ trưởng Tài chính thay cho chính ông Aso; bổ nhiệm ông Tetsuo Saito, Tổng Thư ký Đảng Công minh – đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, làm Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch.
Nội các mới có độ tuổi trung bình của là 61,8 tuổi, trong đó người trẻ tuổi nhất là Bộ trưởng Cải cách Hành chính Karen Makishima (44 tuổi) và người cao tuổi nhất là Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Genjiro Kaneko (77 tuổi). Chỉ có 3 trong số 21 thành viên Nội các là nữ giới.
Nhậm chức vào thời điểm Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại, vì vậy tân Thủ tướng Kishida và nội các của ông sẽ phải bắt tay ngay vào giải quyết một “núi” công việc.
Ngày 5-10, phát biểu với báo giới trước cuộc họp với các bộ trưởng, tân Thủ tướng Kishida cho biết ông muốn nhanh chóng ứng phó với các thách thức. Ông cam kết tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu. Hiện một gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ yên đang được triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, ngày 4-10, phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Kishida nhấn mạnh ứng phó với dịch COVID-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội là những nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu.
Thủ tướng Kishida nêu rõ cuộc chiến chống COVID-19 vẫn tiếp diễn và nội các của ông sẽ nỗ lực hết sức để ứng phó hiệu quả với đại dịch này. Hiện số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã giảm và nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, song làn sóng lây nhiễm có thể tái diễn bất kỳ lúc nào. Do đó nhiệm vụ quan trọng hiện nay là giúp người dân cả nước thấy được bức tranh toàn cảnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong mọi tình huống khác nhau. Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Shigeyuki Goto, Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng Noriko Horiuchi và Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Daishiro Yamagiwa làm rõ các chương trình, giải pháp liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, củng cố hệ thống y tế, mở rộng xét nghiệm… Nội các mới sẽ làm rõ các điểm nghẽn trong chính sách ứng phó với khủng hoảng và triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.
Thủ tướng Kishida khẳng định sẽ quyết liệt thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ, hướng tới mục tiêu khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội trong thời gian sớm nhất. Các giải pháp kinh tế cụ thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 sẽ nhanh chóng được xây dựng và triển khai.
Về đối nội, Thủ tướng Kishida sẽ phải giải quyết nhiều thách thức, trong đó có việc hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ đảng LDP cầm quyền sau cuộc bầu cử chủ tịch đảng, cũng như việc đưa LDP giành đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng này. Đây sẽ là một cuộc bầu cử rất khó khăn đối với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Reiwa Shinsengumi, liên kết với nhau để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền. Ông Kishida cho biết ông sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 14-10 tới - ngày kết thúc kỳ họp bất thường hiện nay của Quốc hội Nhật Bản, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 31-10. Chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu vào ngày 19-10.
Theo các nhà phân tích, thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Kishida trong lĩnh vực đối ngoại là làm thế nào để cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn. Thủ tướng Kishida sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này đang ngày càng gay gắt.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là chiến lược từ thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe và được thúc đẩy mạnh mẽ thời gian qua. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết tham gia duy trì hòa bình và ổn định ở Nhật Bản cũng như xung quanh Nhật Bản, đưa Nhật Bản trở thành một bên quan trọng bằng cách đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ông Kishida cũng tái khẳng định quyết tâm hợp tác với các nước thuộc Bộ tứ (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) cùng các đối tác tại khu vực và Châu Âu.
Để củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong những nguyên thủ quốc tế đầu tiên chúc mừng ông Kishida: “Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Kishida để tăng cường hợp tác trong tương lai”.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với Thủ tướng Nhật Bản Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định hợp tác nhằm hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
"Chúng tôi xác nhận sẽ hợp tác hướng tới tăng cường liên minh Nhật - Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên. Đặc biệt, Tổng thống Biden đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật", Thủ tướng Kishida cho biết.
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác như cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang rất căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ; thúc đẩy cuộc đàm phán với Nga về số phận của 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido mà Nga đang quản lý và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc nhằm mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước.
Với Triều Tiên, Thủ tướng Kishida tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện.