Sự kiện và bình luận

Sớm xử lý dứt điểm các vụ phá rừng

18:51 - Thứ Bảy, 09/04/2022 Lượt xem: 40662 In bài viết

ĐBP - Một vụ cháy rừng xảy ra ngày 8/4 tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) đã khiến 3,8ha rừng phòng hộ bị thiêu rụi. Chính quyền và lực lượng chức năng đã huy động nhân lực khẩn trương dập tắt không để vụ cháy lan rộng sang diện tích rừng khác. Điều đáng nói, diện tích rừng bị cháy cũng chính là diện tích rừng bị chặt phá hồi tháng 1 năm nay và cơ quan chức năng đang điều tra, xem xét khởi tố vụ việc. Khi vụ phá rừng chưa được xử lý triệt để thì cũng trên diện tích rừng bị chặt phá xảy ra cháy. Vụ cháy thiêu rụi toàn bộ những cây bị chặt phá trước đó. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, vụ cháy rừng là nhằm hủy hoại hiện trường vụ phá rừng?!

  Vụ phá rừng ở bản Nà Nọi được biết diễn ra từ tháng 12/2021 đến cuối tháng 1/2022 nhưng phải đến tháng 2 chính quyền mới nắm được để kiểm tra hiện trường, lập biên bản xử lý. Vụ phá rừng này đã xác định được một đối tượng ở bản Nà Nọi thuê người phá rừng và vụ việc đã chuyển giao Công an TP. Điện Biên Phủ tiếp nhận, xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vụ việc vẫn đang trong quá trình “tiếp tục thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ” và hiện trường vụ phá rừng các cây gỗ giờ đã bị thiêu rụi. Do đó cần xử lý dứt điểm, rõ ràng các vụ phá rừng mới tạo sức răn đe ngăn chặn các vụ phá rừng, cháy rừng tiếp diễn.

Ở Điện Biên, thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, người dân các bản vùng cao thường phát cây lấy đất làm nương. Đây cũng là thời gian lực lượng kiểm lâm phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng, không chặt phá vào khu vực rừng. Nhiều diện tích rừng hiện đã được quy hoạch hoặc giao người dân, cộng đồng thôn bản quản lý để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các địa phương đã thành lập các tổ quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng thôn bản cắt cử người tuần tra, canh gác, kịp thời thông báo, tố giác các vụ vi phạm đất rừng. Tuy nhiên, các vụ phá rừng, cháy rừng vẫn diễn ra làm giảm diện tích che phủ rừng của tỉnh.

Nà Nhạn là xã vùng ngoài của thành phố Điện Biên Phủ, diện tích rừng toàn xã gần 3.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 41%. Địa bàn xã Nà Nhạn được lực lượng kiểm lâm coi là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng khi nhiều diện tích rừng tái sinh, cây rừng bị chặt hạ công khai. Điều này không chỉ làm giảm tỷ lệ che phủ rừng mà còn khiến nhiều khu vực đồi núi có nguy cơ “trọc hóa”. Trung bình mỗi năm xã xử lý hàng chục vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng nhưng các vụ phá rừng, cháy rừng vẫn chưa giảm. Nguyên nhân được cho là do bất cập trong việc quy hoạch 3 loại rừng và giải quyết vấn đề sinh kế của người dân chưa thực sự hiệu quả.

Lý giải việc phá rừng ở các địa phương trong tỉnh, người dân đưa ra rất nhiều lý do, nào là không có đất canh tác, không có việc làm, ốm đau, bệnh tật… phải phá rừng lấy đất làm nương. Hai năm 2020, 2021 do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lao động đi làm ngoại tỉnh phải trở về, không có việc làm; để có đất canh tác, không phá rừng thì biết làm gì?! Điều đó càng khiến những cánh rừng bị thu hẹp, bị gọt lõi hoặc chặt phá xen canh. Người phá rừng còn “canh” thời điểm tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để chặt phá nên những vụ phá rừng ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh chắc chắn càng khó phát hiện, xử lý. Nhưng rõ ràng cả một khoảnh rừng, khu rừng và triền đồi không phải vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ nên việc phá rừng, đốt rừng cho dù bằng cách nào chính quyền cơ sở cũng phải biết để có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Vấn đề quản lý, bảo vệ rừng phải gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng thì mới có thể ngăn chặn các vụ phá rừng. Và trách nhiệm ở đây là phải có hình thức xử lý kỷ luật cụ thể không thể chỉ là trách nhiệm chung chung.

Từ vụ phá rừng và cháy rừng ở Nà Nhạn vừa qua cho thấy, cần sớm xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng mới có thể bảo vệ được những cánh rừng xanh. Nếu không, những cây rừng bị chặt hạ la liệt, những thân cây cháy đen nhẻm, cành cây trơ trụi sẽ còn tiếp diễn ở nhiều cánh rừng khác trong tỉnh.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top