Cần rõ trách nhiệm đề xuất, thẩm định dự án

09:50 - Thứ Năm, 30/06/2022 Lượt xem: 46589 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân. Không ít dự án triển khai phải thu hồi đất, gồm cả đất ở của người dân cần phải bố trí tái định cư khiến công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi công trình, dự án hoàn thành góp phần tạo động lực, khai thác tiềm năng của khu vực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội khi hoàn thiện phục vụ nhu cầu đời sống, nâng cao mức sống của nhân dân.

Những công trình, dự án mang lại hiệu quả khẳng định sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn trong việc đề xuất, thẩm định, đưa các dự án có tính khả thi cao để trình triển khai thực hiện, nhất là các dự án phải thu hồi đất của người dân. Bên cạnh đó, không ít dự án được đề xuất, thẩm định nhưng sau khi được phê duyệt, cho chủ trương lại không triển khai thực hiện hoặc tiến độ quá chậm. Điều đó cho thấy sự đề xuất, tham mưu của cơ quan trình dự án chưa phù hợp hoặc chủ đầu tư đề xuất thực hiện dự án nhằm mục đích khác không phải để triển khai dự án.

Đơn cử, thời gian qua tỉnh quy hoạch 9 dự án phát triển hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở thương mại theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây là giải pháp tạo nguồn ngân sách cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các dự án khác. Tuy nhiên, có thể phương thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là loại hình chưa phổ biến nên một số sở, ngành, địa phương lúng túng trong thực hiện thủ tục. Kinh phí thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất đấu giá khá lớn, chi trả ngay khi người dân đồng thuận phương án trong khi khả năng cân đối bố trí vốn của tỉnh khó khăn. Vì vậy, tiến độ triển khai các dự án chậm so với kỳ vọng và cam kết của chủ đầu tư. Việc chậm tiến độ dự án không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây bức xúc cho người dân trong vùng quy hoạch dự án, phải thu hồi đất.

Các chương trình, dự án khi đề xuất, thẩm định và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất đều có mục tiêu chung là phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác đề xuất, thẩm định các dự án để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất vẫn còn tồn tại không ít hạn chế khi nhiều dự án đã được phê duyệt lại chậm triển khai, dừng hoặc tạm dừng, giãn tiến độ; thậm chí có dự án đề nghị dừng thực hiện, quyết toán và kết thúc đầu tư.

Phần lớn các dự án được phê duyệt, triển khai đều thuộc địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Thế nên xảy ra tình trạng dự án nối tiếp nhau nhưng việc triển khai rất chậm, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng luôn khó thực hiện. Khi các dự án “treo”, kéo dài thời gian thực hiện, triển khai thì cuộc sống của người dân vùng dự án cũng khó khăn theo bởi không thể sửa chữa nhà cửa, mua bán, chuyển nhượng đất đai… Do đó, việc đề xuất, thẩm định các dự án cần được cân nhắc, xem xét kỹ nhiều yếu tố tránh tình trạng dự án kéo dài, không triển khai, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân vùng dự án.

Với việc nhiều dự án đã được phê duyệt, đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất rồi phải hủy bỏ do chậm tiến độ hoặc không thể triển khai cần xem xét thêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan đề xuất, thẩm định trình dự án. Bởi thực tế, không ít người, cơ quan, đơn vị khi xem xét, thẩm định dự án thấy rõ dự án thiếu tính khả thi nhưng vẫn “nể nang” trình cấp trên.

Để tránh tình trạng dự án “treo”, dự án “giữ chỗ”, thiếu tính khả thi cần quy định rõ thêm trách nhiệm của địa phương, cơ quan đề xuất, thẩm định. Khi các dự án được đề xuất từ chính nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, vì sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như nâng cao mức sống người dân thì tính khả thi của dự án sẽ cao, dễ triển khai thực hiện.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top