“Đánh thức” tiềm năng điện gió

08:02 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 30452 In bài viết

ĐBP - Ngoài thủy điện, các tỉnh khu vực Tây Bắc (chủ yếu Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) còn có tiềm năng điện gió dồi dào, với khả năng cung cấp khoảng 7.000MW/năm.

Song để biến tiềm năng thành hiện thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các tỉnh trong khu vực và các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm…

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh, ngành chức năng khảo sát thực địa tại Trạm đo sức gió xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông). Thông tin đáng tin cậy và thực sự vui mừng từ ông Miguel A. Rodriguez, Giám đốc Tài chính Siemen Gamesa (CFO) - một tập đoàn có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, cho biết: Qua khảo sát tại các tỉnh Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng, mức gió đều đạt hơn 6m/giây. Riêng tại huyện Điện Biên Đông, mức gió đạt cao ở mức 7m/giây. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió tại đây là rất lớn.

Cũng theo đánh giá của các đơn vị tư vấn và Viện Năng lượng Việt Nam, ngoài huyện Điện Biên Đông, nhiều khu vực trong tỉnh Điện Biên ở độ cao 1.000m và mật độ gió tốt, thường có vận tốc gió trung bình 7 - 10m/giây, rất thuận lợi để khai thác điện gió.

Cụ thể, tại các dãy núi thuộc xã Keo Lôm, Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) có tốc độ gió trung bình hơn 7,93m/giây; khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang thuộc xã Na Ư và Pa Thơm (huyện Điện Biên), tốc độ gió trung bình hơn 7,81m/giây; khu vực các xã: Mường Mươn, Na Sang (huyện Mường Chà), tốc độ gió trung bình 7,68m/giây; dãy núi khu vực đèo Tằng Quái thuộc các xã: Mường Đăng, Ẳng Cang, Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) có tốc độ gió trung bình 7,7m/giây; thị xã Mường Lay và khu vực đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo) có tốc độ gió trung bình từ 7,24 - 7,7m/giây. Nếu có thể khai thác điện năng từ gió tại các khu vực này thì tổng công suất điện gió tại Điện Biên có thể đạt gần 3.000MW.

Nhận thấy tiềm năng và tầm quan trọng của nguồn điện gió, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát, đề xuất triển khai các dự án điện gió. Hiện tại, có 4 nhà đầu tư gồm: Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Tập đoàn Bamboo Capital; Công ty Wind Power Development A/S; Công ty TNHH Long Sơn; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông, đủ điều kiện được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn, với tổng công suất của 4 nhà đầu tư là 1.480MW.

Khai thác tốt tiềm năng điện gió tại Điện Biên là phù hợp chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng như người dân vùng dự án. Khái toán cho thấy, nếu khai thác được tiềm năng điện gió với công suất gần 1.500MW của 4 nhà đầu tư nói trên thì mỗi năm tỉnh Điện Biên có thêm nguồn thu ngân sách gần 1.500 tỷ đồng. Không những thế, các dự án điện gió còn góp phần quan trọng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Là tỉnh nghèo, hàng năm ngân sách Trung ương cấp gần 90%; nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm, phải “tha hương” kiếm sống. Nếu “đánh thức” tốt tiềm năng điện gió, sẽ góp phần quan trọng và hết sức ý nghĩa giúp Điện Biên có nguồn lực lớn từ thu ngân sách điện gió. Một phần nguồn vốn trên dùng để tái đầu tư, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương thực hiện các mô hình xóa nghèo, làm giàu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Bắc trong tương lai gần.

Việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh càng khả thi, khi Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) của Chính phủ có nội dung phân bổ cơ cấu nguồn, xác định đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm khoảng 25% tổng quy mô công suất nguồn và đến năm 2045 đạt hơn 42%.

Do vậy, tỉnh Điện Biên nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung rất mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương sớm bổ sung tổng nguồn điện gió này vào quy hoạch điện VIII. Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn giúp rút ngắn chênh lệch về kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nói riêng với các tỉnh, thành phố cả nước nói chung.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top