Để tuổi trẻ phát huy vai trò, giá trị xung kích

17:50 - Thứ Hai, 20/03/2023 Lượt xem: 54183 In bài viết

ĐBP - “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” là câu nói thể hiện sự dấn thân, xung kích của tuổi trẻ trong các hoạt động nói chung. Thực tế đã chứng minh, trải qua 92 năm thành lập, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia vào các hoạt động, phong trào thiết thực. Những hoạt động xung kích và tình nguyện của tuổi trẻ cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng diễn ra trong mọi mặt đời sống xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hoạt động Đoàn ở các địa phương trong tỉnh đang phai nhạt, khó thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia, thậm chí có những thanh niên gần như không tham gia hoạt động Đoàn, thờ ơ với các hoạt động xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Vậy phải làm sao để khai thác, phát huy vai trò, giá trị xung kích của tuổi trẻ trong các hoạt động Đoàn?

Sự phai nhạt trong hoạt động Đoàn có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cũng đã được cán bộ Đoàn các cấp xác định, chỉ ra. Nguyên nhân hoạt động Đoàn yếu kém, chưa thu hút đoàn viên thanh niên tham gia đã xác định nhưng việc khắc phục không dễ và không thể trong một sớm một chiều nhất là hiện nay mối lo “cơm áo gạo tiền” đang nặng gánh trên vai thanh niên. Với các cơ sở đoàn nông thôn, việc tổ chức các hoạt động phong trào hiện nay rất khó thu hút, vận động đoàn viên thanh niên tham gia khi hầu hết thanh niên đi làm ăn xa, số còn lại ở nhà không tha thiết với hoạt động Đoàn. Các phong trào, hoạt động Đoàn có nội dung hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế bằng thực hiện phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” song nguồn vốn, mô hình sản xuất chưa thể đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Theo định mức, kinh phí dành cho hoạt động của tổ chức đoàn cấp xã từ 10 đến 30 triệu đồng, cấp chi đoàn từ 5 đến 10 triệu đồng. Với định mức này, các cơ sở đoàn rất khó tổ chức hoạt động hay cho đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phương pháp làm việc, năng lực thiết kế, tổ chức hoạt động của cán bộ Đoàn hạn chế nên nhiều hoạt động không có sự đổi mới nội dung, chưa gắn thiết thực với quyền lợi của đoàn viên thanh niên dẫn tới khó thu hút thanh niên tham gia hoạt động Đoàn.

Không ít phong trào, hoạt động Đoàn mang tính hình thức, chỉ “phát” mà không “động”, nô nức ngày ra quân nhưng chỉ ngay sau đó không duy trì được khí thế hoạt động. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”… đã được triển khai, tổ chức ở khắp các cấp bộ Đoàn. Tham gia phong trào, cuộc vận động, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã có những việc làm cụ thể, góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên, để phong trào duy trì lâu dài, mang lại hiệu quả thiết thực thu hút đoàn viên thanh niên tham gia lại không nhiều. Một số đoàn viên thanh niên cho rằng hoạt động Đoàn hiện nay mang tính hình thức là chủ yếu, hô hào lúc ban đầu còn sau đó phong trào “xẹp”, nhất là nhiều hoạt động không gắn bó thiết thực với đoàn viên thanh niên. Ở một số cơ sở đoàn khu vực nông thôn hiện nay việc huy động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động rất khó khăn, không đầy đủ khi hầu hết thanh niên đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương không tham gia các hoạt động chung mà Đoàn phát động, tổ chức. Hiện nay chỉ có phong trào hiến máu tình nguyện là thu hút đông đoàn viên khối cơ quan hành chính nhà nước tham gia; một số hoạt động tổ chức trong Tháng thanh niên hàng năm như thăm hỏi gia đình chính sách, tặng quà học sinh nghèo vượt khó… vẫn được các tổ chức đoàn thực hiện, có đoàn viên tham gia.

Các hoạt động Đoàn phải gắn bó thiết thực với quyền lợi của thanh niên, với nhiệm vụ chuyên môn, tạo điều kiện, môi trường để thanh niên phấn đấu, khẳng định năng lực, vai trò xung kích tình nguyện. Đây là một trong những giải pháp được cán bộ Đoàn các cấp và nhiều đoàn viên thanh niên đưa ra để khắc phục sự phai nhạt trong hoạt động Đoàn. Các tổ chức Đoàn phải đổi mới, đa dạng các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đoàn viên thanh niên; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần, “sát” với đoàn viên; bồi dưỡng cho đoàn viên thanh niên về lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, có nhận thức và lối sống đúng đắn, tích cực, phù hợp với giá trị chuẩn mực xã hội. Phát động và tổ chức các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên phấn đấu, thể hiện năng lực bản thân cũng như các hoạt động phong trào chung. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cần được tổ chức với hình thức, hoạt động phù hợp thu hút được đoàn viên thanh niên tham gia vừa thể hiện khả năng vừa xây dựng hoạt động Đoàn đa dạng, phong phú.

Việc tổ chức các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên có hiệu quả, chất lượng sẽ làm cho đoàn viên thanh niên yêu thích, muốn cống hiến tài năng, sức trẻ của mình vào nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, để khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, sự gắn kết chia sẻ nhiệt huyết, trách nhiệm của đoàn viên tham gia tổ chức và hoạt động Đoàn thì trước hết nội dung sinh hoạt Đoàn phải thiết thực, là môi trường sinh hoạt hấp dẫn thu hút đoàn viên thanh niên tham gia, phát huy vai trò, giá trị xung kích của tuổi trẻ.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top