Sự kiện & Bình luận
ĐBP - Qua 6 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh khiến chúng ta không thể không lo lắng về những con số được đưa ra. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, mỗi cán bộ trách nhiệm hơn để thực hiện được mục tiêu đề ra.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Điện Biên được đưa ra không nhiều mảng sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt so với kế hoạch (7,06% so với mục tiêu 9,69%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 28,75% dự toán HĐND tỉnh giao; giải ngân vốn đầu tư công là 28,26% còn giải ngân vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia rất thấp với chỉ 3,36% dự toán được giao.
Không chỉ những con số về kinh tế mà chỉ số về hành chính công, năng lực cạnh tranh… của tỉnh đều giảm điểm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên năm 2022 giảm 9 bậc, xếp 62/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) giảm 11 bậc, xếp 39/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp 59/61 tỉnh, thành được đánh giá. Kết quả đánh giá, xếp hạng của Điện Biên đều xếp cuối so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong khi đó, việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tiến độ rất chậm. Tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án trọng điểm rất chậm so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Điện Biên không thực hiện được đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu ngân sách trên địa bàn và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh.
Phát triển nông lâm nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh với việc thu hút đầu tư các dự án trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong số 13 dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 85.814ha thì đều triển khai rất chậm, thậm chí có dự án chưa hề triển khai. Bởi đến nay, các dự án đã đo đạc, quy chủ đất đai chỉ đạt 27% so với tổng diện tích phải đo đạc; tiến độ trồng cây mắc ca đạt 15% so với tiến độ phê duyệt năm 2023. Hầu hết nhà đầu tư dự án trồng mắc ca chưa tích cực, nghiêm túc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án, làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là các thủ tục về đất đai. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đã phải điều chỉnh giảm 30.430ha thuộc 8 trong số 13 dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh.
Thông tin và những con số nêu trên khiến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 theo Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua đầy thách thức. Xác định rõ những khó khăn, thách thức, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Điện Biên đã đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những giải pháp quan trọng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đặt trách nhiệm với công việc lên hàng đầu; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc. Đúng theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; làm việc nào dứt việc đó; bảo vệ và phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm…
Nỗi lo từ những con số, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua là thực tế, thách thức chúng ta phải đối mặt, có giải pháp tháo gỡ. Hy vọng rằng, với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm… Điện Biên sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.