Sự kiện & Bình luận

Ám ảnh tự tử bằng lá ngón

08:32 - Thứ Tư, 01/11/2023 Lượt xem: 31451 In bài viết

ĐBP - Cuối tháng 10 vừa qua, huyện Điện Biên Đông tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn huyện”. Đây là vấn đề “nóng” xảy ra tại địa phương nhiều năm qua, gây nên nhiều cái chết thương tâm hoặc để lại hệ luỵ nặng nề về sức khoẻ, tinh thần… Do vậy hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều sở, ngành tỉnh; phòng, ban cấp huyện và chính quyền, nhân dân 14 xã, thị trấn huyện Điện Biên Đông.

Thống kê cho thấy, 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm huyện Điện Biên Đông ghi nhận gần 40 vụ ăn lá ngón tự tử, nhiều trường hợp tử vong. Các vụ tự tử bằng lá ngón phần lớn xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông. Tập trung tại các xã: Phì Nhừ, Xa Dung, Keo Lôm, Háng Lìa… Đối tượng ăn lá ngón nhiều nhất là nữ giới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm này. Buồn chán, ăn lá ngón tự tử. Bố mẹ mắng, không cho tiền mua điện thoại, mua xe máy… ăn lá ngón tự tử. Hờn giận yêu đương, không cho yêu sớm; cấm tảo hôn… cũng ăn lá ngón.

Tỉnh Điện Biên có 38% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sống tại 10/10 huyện, thị, thành phố. Nhưng thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng tự tử bằng lá ngón lại xảy ra nhiều nhất tại 2 huyện là Điện Biên Đông và Nậm Pồ. Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng xảy ra cả trăm vụ tự tử bằng lá ngón, tỉ lệ tử vong rất cao.

Bên cạnh việc tại 2 huyện này cây lá ngón mọc hoang dại nhiều trên núi rừng, gần trường học, cạnh đường đi. Thì trình độ nhận thức, hiểu biết giá trị cuộc sống của một bộ phận người dân hạn chế, kinh tế khó khăn, túng quẫn… là những nguyên nhân dẫn tới các vụ tự tử bằng lá ngón.

Đối tượng tự tử bằng lá ngón chủ yếu trong độ tuổi lao động. Trong đó, từ 19 - 45 tuổi chiếm 45,72%; trên 45 tuổi chiếm 4,37%... Cũng có nhiều trường hợp dưới 18 tuổi, nhưng ở vùng cao thì đây đã là lực lượng lao động chính trong các gia đình. Mất đi con cái, người thân để lại nỗi đau không kể xiết. Về lâu dài, không có lực lượng lao động làm ra của cải vật chất, dẫn tới đói nghèo, lạc hậu, cái nghèo cứ thế quẩn quanh.

Nhận thức rõ mức độ nguy hại của cây lá ngón, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón đến đồng bào các dân tộc nói chung và trong các nhà trường nói riêng. Ngoài ra, một số địa phương, nhất là tại huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ đã tổ chức phát động phong trào toàn dân triệt phá cây lá ngón nhằm phòng tránh việc ngộ độc và dẫn đến tử vong do ăn lá ngón. Trong đó, tập trung nhổ cây lá ngón ở khu vực xung quanh trường học, khu đông dân cư và dọc các tuyến đường...

Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức và sự bồng bột, suy nghĩ nông cạn nên nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi khi gặp phải vấn đề khó khăn, túng quẫn về kinh tế, mâu thuẫn tình cảm trong cuộc sống… vẫn tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón.

Đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón, không để những cái chết “lãng xẹt” vì lá ngón, vấn đề quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân. Công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, sát bản sắc văn hoá, phong tục tập quán từng dân tộc, địa phương. Chú trọng tuyên truyền về giá trị cuộc sống cho từng lứa tuổi, các yếu tố văn hóa, giới tính và tâm lý gia đình. Kể cả việc hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn vùng cao. Tỉnh đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, một số tiểu dự án, hạng mục, hợp phần các chương trình triển khai chậm, đã đánh mất cơ hội hưởng lợi của người dân. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập của 3 Chương trình này cần được tập trung tháo gỡ, giải quyết, để góp phần nâng cao dân trí, đời sống kinh tế, an sinh xã hội, nhận thức hiểu biết giá trị cuộc sống của người dân. Đây là những giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi các vụ tự tử bằng lá ngón tại địa phương.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top