Bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng

15:49 - Chủ Nhật, 04/06/2023 Lượt xem: 6116 In bài viết

ĐBP - Những ngày gần đây, nắng nóng gay gắt đầu mùa kéo dài, nhiệt độ trung bình lúc cao điểm phổ biến từ 35 - 38 độ C, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là những người lao động ngoài trời, người cao tuổi và trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính. Do đó, mỗi người dân cần chủ động chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để phòng, tránh những nguy cơ các bệnh tăng huyết áp, sốc nhiệt, say nắng, say nóng, viêm phổi...

Bệnh nhân đang điều trị bệnh rối loạn tiền đình do thời tiết nắng nóng tại Khoa Nội (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên).

Tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, mỗi ngày có khoảng 120 - 150 bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, trong đó bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc những bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa do thời tiết nắng nóng. Theo thống kê từ ngày 1/5 đến 1/6, Trung tâm đã khám 35 trường hợp bị tiêu chảy, 400 bệnh nhân viêm họng, viêm phổi, 42 bệnh nhân rối loạn tiền đình, 916 bệnh nhân tăng huyết áp và một số trường hợp bị say nắng, sốc nhiệt.

Tại Khoa Nhi, anh Cà Văn Tính, xã Thanh An (huyện Điện Biên) chia sẻ: Con gái tôi năm nay 6 tuổi, ở nhà cháu bị ho nhiều không đỡ, sau khi đưa con đi thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phế quản phổi. Mấy hôm vừa qua, thời tiết oi bức và cháu được nghỉ hè ở nhà nên hay ra ngoài chơi lúc nắng nóng, mồ hôi ra nhiều không kịp thay quần áo hoặc lau khô khiến cháu dễ bị nhiễm bệnh. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của cháu đã ổn hơn. Ngoài điều trị, tôi còn được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con khi thời tiết nắng nóng diễn ra liên tục, kéo dài.

Bác sĩ đa khoa Hà Thị Liên, Phó Trưởng khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Những ngày qua, khoa tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện điều trị do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, chủ yếu là trẻ bị viêm phổi. Có hai nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết nắng nóng đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguyên nhân chính là do mùa nắng nóng, trẻ hay nằm điều hòa, môi trường bên ngoài và môi trường trong phòng điều hòa có sự chênh lệch lớn khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh; khi sử dụng máy lạnh, quạt cần dùng ở chế độ hợp lý để không làm ảnh hưởng tới trẻ. Tình trạng tiêu chảy, nôn nhiều phụ huynh cần lưu ý trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Các bậc cha mẹ cần đề phòng tình trạng say nắng, say nóng ở trẻ, trẻ bị say nắng có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đề phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa hè, nhất là vào thời điểm nhiệt độ cao, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá hai giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời. Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ, nếu trẻ vừa ở bên ngoài về, không nên cho trẻ vào phòng điều hòa ngay; không để trẻ chạy nhảy, ra vào liên tục giữa phòng điều hòa nhiệt độ và không gian nóng bức bên ngoài. Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Ngoài ra, cho trẻ uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng và vitamin cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

Bác sĩ Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết nắng nóng, oi bức.

Thời tiết nắng nóng, không chỉ trẻ em dễ mắc bệnh mà người lớn cũng cần có phương pháp phòng ngừa, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Tại Khoa Nội, hiện có 15 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn tiền đình, viêm phổi. Bà Khoàng Thị Biên, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) năm nay 49 tuổi, có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đang điều trị rối loạn tiền đình. Bà Biên cho biết: Mấy hôm nay do thời tiết quá oi bức, khó chịu, nên tôi thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê bì chân tay. Những người cùng phòng điều trị bệnh với tôi cũng mắc viêm phổi, tăng huyết áp, say nắng do thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Lò Văn Chiến, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Khi người dân đến khám bệnh, ngoài điều trị,  chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe những ngày thời tiết nắng nóng. Tại khu vực làm thủ tục khám, chữa bệnh cũng được Trung tâm bổ sung thêm quạt mát, nước uống, bố trí thời gian khám, chữa bệnh hợp lý những lúc có đông bệnh nhân.

Để bảo vệ sức khỏe những ngày nắng nóng, bác sĩ Chiến khuyến cáo, nếu không có việc quan trọng nên hạn chế ra ngoài trời trong thời điểm nhiệt độ cao, từ 10 giờ đến 16 giờ; hạn chế làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; nếu  bắt buộc phải làm việc thì không nên làm quá lâu và tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng, như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Bổ sung nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng điều hòa ra môi trường nắng nóng, dễ gây sốc nhiệt... Khi gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, nếu ở mức độ nhẹ, chuyển ngay nạn nhân vào chỗ thoáng mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo, cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để nhanh chóng giúp giảm nhiệt cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Với những trường hợp mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top