Trẻ em nam có cần tiêm vaccine HPV?

10:55 - Thứ Tư, 17/01/2024 Lượt xem: 4788 In bài viết

Cứ 5 phụ nữ ở tuổi 50 thì có ít nhất 4 người nhiễm HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. 1 trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV. HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả hai giới, do đó, tiêm vaccine HPV là biện pháp phòng bệnh chủ động. 

Ảnh minh họa.

HPV có khả năng gây bệnh tương đương đối với cả nam và nữ

Human Papillomavirus (HPV) là virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV có khoảng 200 chủng, trong đó 40 chủng gây bệnh ở cơ quan sinh dục.

HPV được phân loại thành nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Nhóm HPV nguy cơ thấp thường gặp là HPV 6 và HPV 11 gây bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục. Nhóm HPV nguy cơ cao thường gặp là HPV 16, 18, 31, 33, 45… gây ra các tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật, hầu họng…

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, HPV thường lây nhiễm khi tiếp xúc bộ phận sinh dục với nhau, quan hệ qua đường miệng và hậu môn; lây từ mẹ sang con khi sinh nở.

Bên cạnh đó, HPV có đường lây âm thầm khác qua tiếp xúc với đồ dùng cá nhân, sử dụng chung dụng cụ y tế phụ khoa và nam khoa dính mầm bệnh. Do đó, dù không quan hệ tình dục, mọi người vẫn có thể nhiễm HPV.

Theo CDC Mỹ, HPV là nguyên nhân của 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung; hơn 90% ca ung thư hậu môn, khoảng 70% ca ung thư âm đạo, âm hộ; 60% ca ung thư dương vật; khoảng 70% ung thư hầu họng và ung thư đầu cổ.

HPV cũng là tác nhân gây 100% mụn cóc thông thường, 100% mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà và tổn thương da ở loạn sản biểu mô mụn cóc.

Hiện có gần 700 triệu người đang nhiễm HPV trên thế giới. Cứ 5 phụ nữ ở tuổi 50 thì có ít nhất 4 người nhiễm HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. 1 trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV. 10% dân số sẽ nhiễm ít nhất một lần mụn cóc sinh dục trong 25 năm hoạt động tình dục.

Nhiều quan điểm cho rằng vaccine HPV chỉ dành cho nữ giới để phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa, còn nam giới không cần tiêm ngừa, bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay, thực tế, HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả hai giới.

Nhiễm các chủng HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư hầu họng, dương vật và hậu môn ở nam giới. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ước tính có khoảng 69.400 trường hợp ung thư ở nam giới do HPV gây ra trong năm 2018.

Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ 85%. Ngoài ra, các nghiên cứu ước tính nam giới có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm HPV cao hơn nữ giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đào thải HPV ở nam giới thấp hơn nữ giới 26%.

Mặt khác, nam giới hiện chưa có biện pháp tầm soát phát hiện nhiễm HPV và các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV, dẫn đến dễ lây cho bạn tình, chẩn đoán trễ, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, không chỉ nữ giới, nam giới, cộng đồng đặc biệt (người chuyển giới nữ, đồng tính) cũng cần tiêm vaccine HPV để phòng bệnh.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, hiện nay, Việt Nam đang có hai loại vaccine ngừa HPV là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, vaccine Gardasil 9 phòng được 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58) tiêm cho nữ giới, nam giới và cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (LGBT) từ 9-26 tuổi, hiệu quả bảo vệ 94%.

Trẻ từ 9-14 tuổi tiêm Gardasil 9 chỉ cần phác đồ 2 mũi cách nhau 6 tháng còn sau độ tuổi này cần tiêm 3 mũi. Còn vaccine Gardasil phòng 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi, phác đồ tiêm 3 mũi trong 6 tháng.

Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ không tối ưu. Mọi người có thể đến trực tiếp các đơn vị tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn nếu có nhu cầu tiêm chủng.

Tiêm vaccine phòng HPV sớm có ảnh hưởng sức khỏe sinh sản?

Nhiều phụ huynh lo lắng tiêm vaccine phòng HPV sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ về sau hoặc tiêm vaccine phòng bệnh lây qua đường tình dục sẽ khiến trẻ có xu hướng tò mò giới tính, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, đây là các quan điểm chưa đúng do chưa có dữ liệu nào cho thấy vaccine ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau của bé trai và bé gái.

Mặt khác, giới trẻ ngày nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm mà phụ huynh không hay biết, tiêm vaccine trong độ tuổi tiền và dậy thì sẽ bảo vệ trẻ tối ưu. Thí dụ nghiên cứu của Bộ Y tế và WHO công bố năm 2022, tỷ lệ quan hệ tình dục của trẻ trước 14 tuổi tăng gấp đôi trong 6 năm qua, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.

Theo ghi nhận của Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời gian gần đây tỷ lệ tiêm vaccine HPV ở nam và nữ giới đều tăng chứng tỏ kiến thức phòng bệnh của người dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, tỷ lệ nam giới tiêm vaccine HPV trong năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm 2022.

Do đó, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, tiêm vaccine không giúp loại bỏ 100% nguy cơ nhiễm HPV vì vậy vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như: quan hệ tình dục an toàn, quan hệ một vợ một chồng, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, duy trì khám sức khỏe định kỳ…

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top