Video

Chăm lo gia đình chính sách và người có công

Thứ Tư, 26/07/2023 08:47 Lượt xem: 9791 In bài viết

ĐBP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh và gia đình liệt sĩ được thể hiện một cách nhất quán, cụ thể, thiết thực và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” bằng những hoạt động thiết thực; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng chính sách và người có công. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần động viên về tinh thần, hỗ trợ cho các thương, bệnh binh và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định cuộc sống.

Vào dịp tháng 7 hàng năm, gia đình bà Pờ Thị Pưng - vợ liệt sĩ Giàng Văn Hen, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) lại nhộn nhịp hơn khi có các đoàn đến thăm hỏi, động viên. Và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) năm nay cũng không ngoại lệ. Chính sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương đã khích lệ rất lớn về mặt tinh thần, hỗ trợ về kinh tế để bà Pưng tiếp tục sống vui, sống khỏe, xứng đáng với truyền thống cách mạng của dân tộc. 

Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, gần 70 thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Mường Nhé đều được cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo tận tình, chu đáo. Các chế độ, chính sách được huyện thực hiện kịp thời và đảm bảo để người có công, gia đình chính sách có mức sống ổn định hơn. Nhất là dịp lễ, tết, các gia đình chính sách, người có công đều được tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời.

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm và các ngày lễ, tết là dịp để các cấp, ngành và đoàn thể thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, gia đình chính sách - những người đã để lại một phần xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều phần quà ý nghĩa cùng với sự ân cần thăm hỏi đã trở thành nguồn động viên kịp thời, động lực để họ vượt qua nỗi đau thân thể, tiếp tục sống có ích cho gia đình và xã hội.

Toàn tỉnh hiện có hơn 16 nghìn đối tượng chính sách. Xác định chăm lo cho người có công, gia đình chính sách không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh và người có công. Vì lẽ đó, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và đoàn thể xã hội tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, động viên tinh thần, quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Sự quan tâm đó đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những việc làm thiết thực, cụ thể để xoa dịu vết thương chiến tranh, giúp những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có cuộc sống tốt hơn, trong những ngày tháng 7 tri ân, dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên để dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đó chính là tinh thần trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng và toàn xã hội với sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ; từ đó góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta cho thế hệ trẻ.      

Cha ông ta, thế hệ những người đi trước đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả xương máu mới có được nền hòa bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Thế nên, việc triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách tri ân với những người có công là việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình của thế hệ sau với các thế hệ trước - những người đã viết nên bản hùng ca bi tráng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngày càng nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội để trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa; góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc trường tồn mãi mãi về sau.

Phạm Quang

Back To Top