Thanh Chăn phát triển vùng trồng rau màu tập trung

07:44 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 3180 In bài viết

ĐBP - Phát huy thế mạnh tại địa phương, những năm gần đây, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã quy hoạch, phát triển các loại cây rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng trồng rau sạch, an toàn. Đây là một trong những hướng đi mới, mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con nhân dân.

Người dân bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn chăm sóc rau màu.

Để tăng diện tích, năng suất rau màu, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Chăn đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyên canh, tăng vụ nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, hàng năm xã tiến hành quy hoạch chi tiết về diện tích đất, hệ thống thủy lợi, các loại cây trồng... trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng mô hình mẫu hướng dẫn nhân dân triển khai, hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật; tập trung vào phát triển cây rau màu ngắn ngày, giá trị kinh tế cao (dưa leo, cải ngọt, cải ngồng, bắp cải, rau muống...).

Cùng với đó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật, phương thức sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu giống, đất trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch, do vậy rau ít sâu bệnh hơn, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng hạn chế, thay vào đó là dùng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Nhờ vậy, tới nay xã Thanh Chăn đã hình thành được vùng sản xuất rau tập trung, an toàn với diện tích trên 128ha, đứng tốp đầu trong huyện, tập trung chủ yếu ở các thôn, bản: Việt Thanh 4, 5; Co Mỵ; Thanh Hồng, đội 4, 5...

Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi diện tích ruộng một vụ sang trồng rau xanh. Nếu trước đây việc sản xuất rau của bà con hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm thì hiện nay người trồng rau được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Nhờ vậy đã tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Gia đình bà Lù Thị Thương, bản Co Mỵ đã cải tạo 1.000m2 đất bạc màu, năng suất thấp để trồng rau màu (cải ngồng, cải ngọt, rau các loại...); mỗi năm thu hoạch từ 3 - 4 vụ; mang lại thu nhập từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Bà Thương chia sẻ: “Để phát triển diện tích rau màu, tôi đã tận dụng diện tích đất, chuyên canh, gối vụ các loại rau màu thay cho bỏ hoang đất trước đây. Đặc biệt, nhờ áp dụng kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn trồng rau an toàn, từ khâu làm đất, chọn giống, đến chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đã giúp vườn rau của gia đình đạt năng suất, chất lượng cao”.

Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Phát huy lợi thế sẵn có, tiềm năng đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, xã Thanh Chăn đã và đang tập trung phát triển cây rau màu theo hướng hàng hóa. Đây là giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng. Để nhân rộng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng bền vững, xã Thanh Chăn tiến hành rà soát, vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng những phương pháp an toàn sinh học trong bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng... Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn kịp thời nông dân sử dụng giống cây trồng phù hợp, gắn sản xuất với tiêu thụ, chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực tiêu thụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất; liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để có phương án, kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hình thành các vùng chuyên sản xuất rau tập trung. Đẩy mạnh tư vấn cho nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững; thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu, đề xuất và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chuyển đổi phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ... Từ đó, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top