“Vàng trắng” hồi sinh

09:38 - Thứ Hai, 02/01/2023 Lượt xem: 3107 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp, năm 2022 giá mủ cao su đã tăng cao trở lại. Năm nay nhiều diện tích cao su bước vào thời kỳ thu hoạch chính nên sản lượng mủ cao su tăng cao. Sự hồi sinh của “vàng trắng” đã mang lại niềm phấn khởi cho người dân góp đất trồng cao su, khiến những ngày tết đến xuân về thêm ấm áp.

Công nhân mở cạo mủ cao su.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang quản lý hơn 3.700ha cao su (chủ yếu trên địa bàn 4 huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ) với 4.116 hộ dân góp đất trồng cao su. Trong đó, diện tích đang khai thác hơn 3.146ha, còn lại diện tích vườn cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Mặc dù nhiều diện tích cao su được đưa vào mở cạo từ đầu năm 2017, tuy nhiên do những năm đầu lượng mủ chưa nhiều, nên suốt nhiều năm qua người dân hoài nghi về khả năng thích ứng của loại cây cao su trên mảnh đất Điện Biên. Cùng với đó, tại một số tỉnh lân cận xảy ra tình trạng người dân chặt phá cây cao su (do không có mủ, giá thấp) để chuyển đổi cơ cấu cây trồng càng khiến người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh thêm phần lo lắng.

Tuy nhiên, đến nay cây cao su đã bước vào thời kỳ cho năng suất mủ cao nhất của chu kỳ mở cạo. Người dân góp đất trồng cao su vui mừng, phấn khởi.

Có mặt tại vườn cao su xã Mường Pồn, huyện Điện Biên thời điểm thu hoạch mủ, chúng tôi chứng kiến không khí lao động hăng say của cán bộ và công nhân Đội cao su Mường Pồn. Từng dòng “vàng trắng” nối tiếp nhau chảy vào các khay chứa. Chị Cà Thị Nga, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cho biết: “Tôi làm công nhân cao su được hơn 10 năm nay rồi, chưa có năm nào mủ cao su lại nhiều như năm nay. Gia đình tôi có 3ha góp đất trồng cao su, năng suất mủ cao gia đình phấn khởi, mong chờ đến ngày được chia phần trăm lợi nhuận để có nguồn thu nhập”.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, vụ khai thác mủ cao su năm 2022 năng suất cao gấp nhiều lần so với những năm trước, chất lượng mủ cũng tốt hơn. Nếu như cả năm 2020, tổng sản lượng mủ khai thác của Công ty hơn 2.700 tấn, thì đến hết tháng 11/2022 tổng sản lượng khai thác đạt hơn 3.400 tấn. Ước đến hết năm 2022, sản lượng khai thác đạt 3.900 tấn theo kế hoạch đề ra. Áp dụng kỹ thuật trong khai thác đảm bảo nên sản lượng mủ được khai thác đạt chất lượng tốt; hàm lượng mủ tại các vườn cây đến kỳ cho thu hoạch đảm bảo theo đúng dự kiến đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật.

Không chỉ sản lượng nhiều hơn, giá mủ cao su có dấu hiệu phục hồi, tăng nhiều so với những năm trước. Nếu giai đoạn 2015 - 2021 giá mủ cao su khô chỉ đạt từ 23 - 27 triệu đồng/tấn thì hiện nay khoảng 34 triệu đồng/tấn, có thời điểm lên đến hơn 40 triệu đồng/tấn. Đây là giá “nhảy vọt” của mủ cao su sau nhiều năm ì ạch dưới mức 23 triệu đồng/tấn.

Ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: “Năm 2022, giá mủ cao su tăng trở lại so với những năm trước đây. Giá bán trung bình trong năm gần 35 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu đạt gần 66 tỷ đồng. Giá mủ cao su trên thị trường tăng nên lợi nhuận của đơn vị đã chính thức cắt lỗ lũy kế, kinh doanh bắt đầu có lãi trong năm tài chính, đời sống của 819 công nhân cao su được đảm bảo, thu nhập bình quân đạt 5,8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và một số chế độ khác được đảm bảo đầy đủ, không nợ lương”.

Năm 2022 là năm thứ 6 Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên chia sản phẩm cho hộ, cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển cao su. Sản phẩm được chia của người dân góp đất bằng 10% giá trị sản phẩm mủ trên vườn cây khai thác. Từ năm 2017 - 2022, Công ty đã thực hiện chi trả gần 25 tỷ đồng tiền phân chia sản phẩm cho các hộ dân góp đất trồng cao su. Trong đó, riêng năm 2022 Công ty đã chi trả hơn 10,3 tỷ đồng cho 4.080 hộ dân góp đất trồng cao su. Năm 2022, với năng suất, sản lượng, giá cao su đều tăng nhiều hộ dân góp đất trồng cao su đã được phân chia lợi tức cao hơn.

Trong niềm vui phấn khởi khi được nhận 10% giá trị sản phẩm mủ cao su khai thác, anh Lò Văn Mười, xã Na Sang (huyện Mường Chà) tâm sự: “Gia đình có 3ha đất góp cho Công ty để thực hiện dự án trồng cây cao su từ năm 2009. Từ năm 2017 cho đến nay diện tích trồng cao su của gia đình đã cho thu hoạch mủ, gia đình được nhận tiền chia lợi tức 10% theo hợp đồng ký kết ban đầu. Vợ chồng tôi cũng được nhận vào làm công nhân cao su, hưởng lương trên 5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập đáng kể cho gia đình. Chúng tôi sẽ tích cực bảo vệ vườn cao su, gắn bó lâu dài với cây cao su”.

Sự hồi sinh của “vàng trắng” đã xóa đi những lo lắng, hoài nghi về hiệu quả cây cao su trên vùng cao, niềm vui hiện rõ trên gương mặt của người lao động, của người dân góp đất trồng cao su. Thu nhập tốt tiếp thêm niềm tin, gắn bó của người lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới địa phương.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top