Quyết tâm hoàn thành giao đất, giao rừng, cấp GCN sử dụng đất lâm nghiệp trong năm 2023

12:14 - Thứ Tư, 11/01/2023 Lượt xem: 4158 In bài viết

ĐBP - Ngày 11/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến chủ trì hội nghị sơ kết công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện kế hoạch số 2783/KH-UBND về rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện đo đạc 235.181,84ha/360.149,82ha đất lâm nghiệp, đạt 65,3% kế hoạch. Trong đó: Đất lâm nghiệp có rừng là 71.945,53ha/88.235,54ha (đạt tỷ lệ 81,5%); đất lâm nghiệp chưa có rừng là 163.236,31ha/271.914,28ha (đạt 60%). Có 6 huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay đã thực hiện rà soát, đo đạc đất lâm nghiệp chưa có rừng đạt trên 55% tổng diện tích phải đo đạc, đảm bảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh; còn 2 huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ thực hiện đạt dưới 55%.

Hết năm 2022, toàn tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho 3.662 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với tổng diện tích 50.014,34ha. Đến ngày 30/11/2022, ngân sách cấp tỉnh đã cấp bổ sung cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện kế hoạch là 45,44 tỷ đồng; chưa bố trí 16,017 tỷ đồng.

Đối với huyện Mường Nhé là huyện thực hiện điểm kế hoạch 2783, đến nay đã giao 14.200,75ha đất lâm nghiệp có rừng (đạt 114,6%). Huyện đã rà soát, đo đạc được 28.248,62ha/29.670,93ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; đạt 95,2% so với kế hoạch phải thực hiện. Đối với xã điểm là xã Phu Luông (huyện Điện Biên) đã hoàn thành việc đo đạc trên thực địa với tổng diện tích là 3.435,79ha (đất có rừng 2.731,69ha, đất chưa có rừng 704,1ha); chưa thực hiện việc cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đã đo đạc.

Đánh giá chung, tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chậm so với yêu cầu. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những hạn chế như: Ban chỉ đạo các cấp, UBND các cấp chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phương án tổ chức triển khai chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp chưa hiệu quả; nguồn lực của đơn vị tư vấn tại một số huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế dẫn đến tiến độ thực hiện đo đạc thực địa chậm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến chỉ rõ một trong những nguyên nhân chậm trễ là do Ban chỉ đạo các cấp chưa quyết liệt vào cuộc; công tác, phương pháp tuyên truyền chưa rõ, chưa sâu, chưa kỹ nên chưa nhận được sự đồng tình nhất trí từ đông đảo người dân. Đồng thời đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc cần quyết tâm hoàn thành kế hoạch xong trong năm 2023; tiếp tục tiến hành đo đạc, quy chủ những diện tích thuộc các dự án mắc ca theo chủ trương đầu tư. Đối với diện tích đất lâm nghiệp có rừng mà không giao được cho người dân thì xây dựng phương án giao cho xã, ở địa bàn biên giới thì giao cho lực lượng vũ trang. Đối với 2 tổ giúp việc của Ban chỉ đạo cần tăng cường phối hợp, trao đổi với các địa phương kịp thời tham mưu giải pháp cho Ban chỉ đạo.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top