Đồng hành, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn

06:59 - Thứ Bảy, 06/05/2023 Lượt xem: 2274 In bài viết

ĐBP - Không chỉ thẳng thắn nhận diện những điểm tồn tại, nút nghẽn trong năng lực điều hành, Điện Biên còn cầu thị, lắng nghe các chuyên gia phân tích chi tiết từng chỉ tiêu thấp điểm, giảm điểm trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua từng năm. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề ra giải pháp rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể đến từng ngành, từng địa phương trong thực hiện mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, hướng đến đồng hành, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Đại diện doanh nghiệp vận tải tham gia ý kiến tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chính sách thuế do Cục Thuế tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T.V

Trong những năm qua, hoạt động của doanh nghiệp đối diện sức ép chi phí lớn khi giá cả hàng hóa, dịch vụ và lãi suất tín dụng có xu hướng gia tăng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đã gặp vô vàn khó khăn trong hơn hai năm chống chịu đại dịch Covid-19. Trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương càng trở nên quan trọng với những kỳ vọng lớn hơn của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.

Thực tế, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã ban hành và áp dụng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại, cải cách hành chính, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, tỉnh đã công khai, minh bạch các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Mới đây nhất (31/3), tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm làm rõ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong triển khai các dự án. Qua đó, nhiều kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh đã được kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đây, tỉnh tăng cường chỉ đạo, rà soát, sửa đổi cơ chế, quy định, quy trình bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là về lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai... Giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quản, kiểm tra, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tập trung thực hiện các mục tiêu như: Hoàn thiện hạ tầng cho chuyển đổi số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; 80% thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch...

Nhờ đó, một số chỉ số thành phần thuộc PCI tỉnh đã có chuyển biến tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Đơn cử, như chỉ số tính năng động của tỉnh trong những năm qua đều có sự chuyển biến tích cực. Kết quả năm 2022, chỉ số này đạt 6,72 điểm, xếp hạng thứ 30 (tăng 10 bậc) so với năm 2021. Kết quả của chỉ số này cho thấy các doanh nghiệp đánh giá cao sự chuyển biến tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương, mức độ kịp thời và hiệu quả trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp sở, ngành và huyện với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Nhiều tiêu chí được cải thiện, như: UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng rằng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của mình...

Tương tự, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022 tăng 22 bậc xếp thứ 13 cả nước. Đây là chỉ số có xếp hạng tốt nhất trong 10 chỉ số thành phần. Tiêu chí có mức cải thiện đáng kế nhất trong chỉ số thành phần này là tiêu chí thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng...

Nhờ cải thiện PCI, nên công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng trong quý I/2023, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án về lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản và nông - lâm nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký trên 869 tỷ đồng. Lũy kế có 250 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 44 nghìn tỷ đồng (không bao gồm các dự án bị thu hồi). Từ năm 2015 đến nay, đã có 165 dự án triển khai thực hiện, trong đó có 82 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh tiếp tục vận động xúc tiến, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như: Danco, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, soi rọi kết quả phát triển kinh tế của Điện Biên với thực tiễn và bảng xếp hạng PCI của Điện Biên năm 2022 chưa thật sự được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá và ghi nhận cao. Vì vậy, chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh đạt 59,85 điểm (giảm 2,01 điểm), giảm 9 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 62 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Trong đó, có 4 chỉ số tăng cả điểm và xếp hạng; 1 chỉ số tăng điểm nhưng giảm xếp hạng; 1 chỉ số giảm điểm nhưng tăng xếp hạng; 4 chỉ số giảm cả điểm và xếp hạng so với năm 2021. Điều đó cho thấy vẫn còn khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách chưa được lấp đầy; những khó khăn, vướng mắc và cả những trăn trở mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tháo gỡ chưa được giải quyết như mong đợi; những kỳ vọng và mục tiêu cần hướng tới chưa đạt được và còn rất nhiều việc chúng ta cần phải trăn trở, suy nghĩ một cách nghiêm túc, thẳng thắn và tập trung giải pháp giải quyết.

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến PCI của tỉnh giảm. Công tác cải cách hành chính còn bất cập, nhất là việc xây dựng các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn thủ tục hành chính chưa được thực hiện tốt đã gây khó khăn đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, một số cán bộ, công chức làm việc với tâm lý “sợ sai” cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với doanh nghiệp khi làm thủ tục. bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, chưa chủ động tham mưu cho tỉnh giải quyết kịp thời kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp đã tác động không nhỏ đến tâm lý, nhiệt huyết của nhà đầu tư. Về phía các doanh nghiệp cũng có những hạn chế, nhất là chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy đinh của pháp luật để thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động.

Để cải thiện xếp hạng PCI của tỉnh, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó tập trung các tiêu chí, chỉ số có xu hướng tích cực; cải thiện điểm số ở những tiêu chí, chỉ số thấp hoặc bị giảm điểm, đặc biệt là những chỉ số giảm điểm mạnh và chỉ số có trọng số cao. Phải tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh ở cơ quan, đơn vị. Thu hẹp khoảng cách giữa các cấp thực thi (cấp tỉnh - cấp sở, ngành và cấp huyện) để giảm thiểu việc cấp tỉnh rất quyết liệt trong triển khai thực thi chính sách nhưng không được tổ chức thực hiện tốt ở cấp dưới. Thông qua việc tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện để đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của các tổ chức kinh tế.

Một giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là cần công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính; rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt cần công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; cấp phép kinh doanh có điều kiện... Quyết liệt, kịp thời chấn chỉnh xử lý những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top