Ða dạng nguồn vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

09:01 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 4617 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, có nhiều nguồn vốn, nhiều kênh vay vốn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể tiếp cận phục hồi sản xuất, kinh doanh. Một số nguồn vốn để tiếp cận như: Vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025; tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); chương trình giải quyết việc làm; vốn tín dụng ủy thác ngân sách địa phương và nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Bằng nguồn vốn vay từ Agribank chi nhánh huyện Tuần Giáo, chị Doãn Thị Thoa, khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo xây dựng hiệu quả mô hình chế biến sản phẩm hạt mắc ca. Trong ảnh: Chị Doãn Thị Thoa chế biến hạt mắc ca. Ảnh: Phạm Trung

Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân vừa qua, vấn đề tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp được nhiều hội viên nông dân quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Ðô đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thông báo rộng rãi các chương trình, kênh vay vốn để toàn thể nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp được biết và tiếp cận. Ðồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để người dân tiếp cận, vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên là tổ chức tín dụng nhiều năm đồng hành cùng người dân, nhất là các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Ngân hàng triển khai 23 chương trình vay vốn; đến hết tháng 9/2023, tổng dư nợ đạt trên 4.300 tỷ đồng, với gần 92.000 khách hàng. Nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được người dân ưu tiên tiếp cận bởi vì đây là nguồn có ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, hồ sơ thủ tục đơn giản, nhanh chóng và có nhiều kênh vay vốn, đặc biệt là hoạt động nhận ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội: Ðoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân.

Ðến tháng 10/2023, Hội Cựu chiến binh xã Pu Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với 190 thành viên; tổng dư nợ 8,508 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, nhiều gia đình hội viên đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây mắc ca… tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Lò Văn Cường, bản Nậm Ngám (xã Pu Nhi) chia sẻ: Nguồn vốn Ngân hàng CSXH dễ tiếp cận, lãi suất ưu đãi, phù hợp với người dân vùng cao. Từ nguồn vốn ưu đãi thông qua Hội Cựu chiến binh xã, tôi có điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm. Ðến nay, mô hình cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chi nhánh tỉnh Ðiện Biên luôn dành tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng trên 50% tổng dư nợ; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ðến hết ngày 31/7/2023, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 3.786,393 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ, với tổng số 14.932 khách hàng. Trong đó, tập trung các lĩnh vực trọng điểm như: Trồng trọt có dư nợ 3,703 tỷ đồng với 88 khách hàng; chăn nuôi có dư nợ 378,69 tỷ đồng với 2.530 khách hàng; trồng trọt - chăn nuôi hỗn hợp dư nợ 2,307 tỷ đồng với 12 khách hàng; hoạt động dịch vụ có liên quan có dư nợ 205,869 tỷ đồng với 308 khách hàng; nông sản có dư nợ 396,035 tỷ đồng với 527 khách hàng; lâm sản đạt dư nợ 10,912 tỷ đồng với 8 khách hàng; thủy sản có dư nợ 3,890 tỷ đồng với 7 khách hàng...

Ông Văn Ðình Việt, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện Nghị định số 55/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình tín dụng đến với người dân trên địa bàn. Hiện nay, đang có 87 tổ vay vốn, 1.423 thành viên, dư nợ đạt 112 tỷ đồng.

Năm 2019 chị Doãn Thị Thoa (khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo) đã được Agribank huyện Tuần Giáo giải ngân nguồn vốn vay 300 triệu đồng để đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hạt mắc ca. Ðến năm 2022, Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho chị Thoa vay thêm 200 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất gồm: 2 kho chứa quả mắc ca, đầu tư thêm máy móc, công nghệ dập lon đóng hộp, đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm... Ðến nay, cơ sở chế biến mắc ca của chị Thoa tiêu thụ hơn 40 tấn quả mắc ca/năm, bán ra thị trường hơn 20 tấn hạt khô đóng hộp. Với giá bán 270.000 đồng/kg mắc ca thành phẩm, mỗi vụ mắc ca cơ sở chị Thoa đạt doanh thu trên 5,4 tỷ đồng. Chị Doãn Thị Thoa cho biết: Trong quá trình hoạt động, cơ sở luôn có sự đồng hành của Agribank chi nhánh huyện Tuần Giáo. Khi cơ sở có nhu cầu vay vốn, phía Ngân hàng luôn tạo điều kiện trong tất cả các khâu từ công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ đến giải ngân nguồn vốn vay.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top