Đâu là đáy của lãi suất?

16:32 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 4586 In bài viết

Lãi suất huy động đã rơi xuống mức thấp, thậm chí thấp hơn thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Hiện, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang áp dụng lãi suất với kỳ hạn dài quanh ngưỡng 5%/năm. Vậy, "kịch bản" của lãi suất trong những tháng cuối năm 2023 như thế nào? Liệu đây đã là mức “đáy” của lãi suất?

Lãi suất thấp nhất là 2,8%/năm

Theo biểu lãi suất mới nhất tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất thấp nhất của ngân hàng đã rơi xuống 2,8%/năm và cao nhất 5,1%/năm. Vietcombank là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường tính đến thời điểm này và cũng là mức thấp kỷ lục của Vietcombank trong nhiều năm qua.

Chỉ tính riêng trong tháng 10-2023, Vietcombank đã hai lần giảm lãi suất huy động. Theo đại diện của Vietcombank, đợt giảm trong tháng 10 là lần giảm thứ 10 liên tiếp kể từ đầu năm 2023, đánh dấu giai đoạn lãi suất giảm nhanh nhất của ngân hàng này trong nhiều năm qua. Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, khung lãi suất tiền gửi niêm yết của Vietcombank đã giảm 1,9 - 2,3%/năm.

Trong tháng 10, Vietcombank có hai lần hạ lãi suất huy động.

Các chuyên gia cho rằng, việc Vietcombank giảm lãi suất cũng phản ánh bức tranh về xu hướng giảm lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm 2023 đến nay. Thông thường, nếu Vietcombank hạ lãi suất, 3 ngân hàng trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng sẽ có động thái giảm lãi suất tiền gửi. Hiện, biểu lãi suất áp dụng tại Agribank, VietinBank, BIDV thấp nhất là kỳ hạn 1-2 tháng, với mức 3,2-3,4%/năm; cao nhất là kỳ hạn 12 tháng trở lên, với mức 5,3-5,5%/năm.

Ngoài 4 "ông lớn" trên, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có biểu lãi suất khá thấp so với cuối năm 2022, trong đó có những ngân hàng niêm yết biểu lãi suất thậm chí thấp ngang hoặc thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Theo thống kê từ đầu tháng 10-2023 đến nay, có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, nhiều ngân hàng giảm lãi suất 2 lần, thậm chí 3 lần trong tháng này. Biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng với kỳ hạn 1 tháng dao động trong khoảng 3,2-4,5%/năm. Trong khi đó lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 3,1-4,75%/năm; 6-12 tháng là 4,1-6,4%/năm và trên 12 tháng là 4,1-6,4%/năm.

Rõ ràng các ngân hàng vẫn kiên trì chính sách giảm lãi suất huy động vốn, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng thanh khoản tiền đồng qua kênh tín phiếu trong một tháng qua, góp phần đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng dần tăng trở lại nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá; cùng với đó tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng nhanh hơn từ cuối tháng 9-2023. Mặt bằng lãi suất huy động giảm đã phản ánh lượng vốn trong hệ thống ngân hàng vẫn khá dư thừa.

Dư địa giảm thêm không còn nhiều

Động thái giảm lãi suất của Vietcombank sẽ mang đến những tín hiệu nhất định về triển vọng lãi suất trong thời gian tới, cũng như thường mở đường cho việc giảm lãi suất sau đó của các ngân hàng khác. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dư địa giảm thêm lãi suất sẽ không còn nhiều.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, triển vọng không mấy tích cực của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, cộng với các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn rủi ro cao, khiến dòng vốn tiếp tục chảy vào kênh tiền gửi ngân hàng. Điều này giải thích vì sao lãi suất huy động vốn liên tục giảm sâu nhưng lượng vốn huy động của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng.

Thực tế, theo số liệu mới nhất, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11-10 mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%). Tính đến tháng 9-2023, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống là 76,67%. Trong khi cuối năm 2022, tỷ lệ này có thời điểm vượt 100%. Tức là với nguồn vốn huy động 100 đồng, ngân hàng chỉ cho vay 76,6 đồng. Tỷ lệ LDR của các ngân hàng ở mức thấp được lý giải là do tín dụng tăng chậm trong khi tiền gửi dân cư tiếp tục tăng mạnh.

Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm 2023. Trong đó, mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45%/năm (giảm 2,8%/năm so với đầu năm 2023).

Việc Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống 30%, và áp lực lạm phát, tỷ giá cuối năm có thể cản trở đà giảm lãi suất. KBSV dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25%/năm trong quý cuối năm 2023, giảm 1,75-2,25%/năm so với đầu năm. Những yếu tố hỗ trợ đà giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là chính sách tiền tệ nới lỏng và các khoản tiền gửi đến kỳ đáo hạn giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn (tiền gửi chiếm 70%-80% huy động vốn của hệ thống ngân hàng có kỳ hạn chủ yếu 6-12 tháng khiến cho chi phí vốn nửa đầu năm 2023 của ngân hàng vẫn ở mức cao). Dư địa cho vay còn lớn khi nhu cầu tín dụng tăng trong những tháng cuối năm và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng còn cách xa chỉ tiêu được giao. Thêm vào đó, quy định cho phép khách hàng vay để đảo nợ được thi hành từ ngày 1-9 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng, từ đó làm giảm lãi suất cho vay.

Đại diện của các ngân hàng cũng nhận định, lãi suất tiền gửi đã chạm mức đáy do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Do vậy, bức tranh lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại. Còn lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ vào sự giảm nhanh chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:
Điều hành lãi suất là bài toán khó nhất

Bên cạnh thực hiện chủ trương của Chính phủ, việc giảm lãi suất còn là yêu cầu bắt buộc để ngân hàng cạnh tranh. Cả nước có 49 ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, 1 ngân hàng hợp tác xã và 2 ngân hàng liên doanh. Không có cớ gì mà doanh nghiệp phải phụ thuộc vào một ngân hàng, đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường.

Việc điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ. Tất nhiên, khi lãi suất giảm sâu, sự ổn định tỷ giá có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vay nợ nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Đây là điều buộc Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc hài hòa nhiều yếu tố trong điều hành chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất là bài toán khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng:
Toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất

Từ đầu năm 2023 đến nay, huy động vốn của ngân hàng cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8-2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%; cho vay với cá nhân mua bất động sản giảm tới 15%.

Toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất. Theo tính toán, sẽ có hơn 200.000 khách hàng được giảm lãi suất, với tổng dư nợ bình quân là khoảng 700.000 tỷ đồng. Với quyết định này, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023.

Vietcombank ưu tiên áp dụng các giải pháp chuyển đổi số vào quy trình cho vay, hỗ trợ khách hàng nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp tín dụng cho khách hàng.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:
Phải quyết liệt giảm lãi vay

Không loại trừ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đưa lạm phát ở mức 3% hiện nay về 2% như mục tiêu đề ra. Chính sách thắt chặt tiền tệ khả năng sẽ còn tiếp tục trong năm 2024 khi Mỹ bầu cử tổng thống.

Lãi suất ở Việt Nam đã đi ngược chiều so với những nước lớn và nếu giảm thêm sẽ càng khiến VND rẻ hơn, cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đẩy lên cao. Câu chuyện tỷ giá đang là rào cản cho lãi vay đi xuống.

Theo tính toán lãi suất điều hành có thể giảm thêm 0,5% vào quý cuối cùng của năm 2023 để hỗ trợ cho nền kinh tế bước vào năm 2024. Kinh tế toàn cầu khó khăn khiến nhiều ngành nghề có mức sinh lời từ 10 đến 15% đã giảm xuống còn 6-7%, trong khi lãi vay trên 10%/năm thì khó có thể duy trì hoạt động. Vì thế, phải quyết liệt giảm lãi vay. Bên cạnh đó là triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong giai đoạn này.

Tăng trưởng tín dụng thấp những tháng gần đây cũng cho thấy cần quan tâm đến thủ tục hồ sơ vay, điều kiện tiếp cận tín dụng. Tôi cho rằng, ngân hàng cần có giải pháp triển khai cho vay tín chấp. Đồng thời, quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần phát huy hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top