Tìm phương án tốt nhất cho người lao động!

16:11 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 4122 In bài viết

Bất cứ phương pháp nào đưa ra để giải quyết vấn đề rút hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng phải xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo nhằm tìm ra phương án tốt nhất cho người lao động.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ tháng 6/2023. Dự kiến Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Đây là dự án luật khó vì chi phối trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của từng người lao động.

Dự luật hiện đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến. Trong đó, vấn đề đang nhận được sự quan tâm và ý kiến nhiều chiều là về quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Vấn đề này được đặt ra bởi, Luật hiện hành quy định thời gian tối thiểu tham gia BHXH được hưởng lương hưu khá dài, lại có phần khắt khe dẫn đến việc nhiều người đang tham gia BHXH thì dừng lại, và những người đang làm việc không muốn tham gia bảo hiểm, làm hạn chế tốc độ tăng độ bao phủ của BHXH. Trong khi đó điều kiện hưởng BHXH một lần (quy định tại Điều 60 của Luật) lại "khá thoáng" nên số người đang tham gia xin hưởng một lần có xu hướng ngày càng tăng lên...

Ảnh minh họa (Nguồn: HC)

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong báo cáo đầu tháng 3 về triển khai Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia nhưng cũng có tới 4,06 triệu người rút BHXH một lần.

Tính trung bình, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. 

Trong số 4.058.317 người lao động được giải quyết hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 – 2021, có tới 77,5% là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi. Số người hưởng BHXH một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chiếm rất ít chỉ 0,79%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là do đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt cũng như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn.

Nguyên nhân nữa là do dịch COVID-19 dẫn đến cắt giảm việc làm khiến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn trong khi liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn yếu. Cùng với đó, việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng khá thông thoáng, chỉ gồm các điều kiện như lao động đóng dưới 20 năm, sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục tham gia hoặc đóng tự nguyện sẽ được rút...

Có thể thấy, tình trạng hưởng BHXH một lần của người lao động đã, đang và có thể sẽ tiếp tục gia tăng, điều này dẫn đến việc người lao động khi hết tuổi lao động sẽ không có hoặc giảm sút lương hưu. Việc hưởng BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân, không để ai ở lại phía sau.

Để ngăn chặn việc này, với quan điểm cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất thêm phương án là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu, thì giải quyết hưởng một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.

Về cơ bản, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất nên “siết chặt” hơn điều kiện hưởng BHXH một lần. Song ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cũng bày tỏ chưa đồng thuận, băn khoăn bởi số tiền được hưởng chỉ bằng 50% tổng thời gian thì không đủ để trang trải khó khăn. 

Còn nhớ, tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc.

Song ngay từ khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi đó đã đối thoại với công nhân, cam kết đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa điều 60 theo hướng linh hoạt, cho phép lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc.

Chính phủ sau đó đã kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Việc sửa hay không điều 60 đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu trên nghị trường. Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến, với 87% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

Nhắc lại điều này để nhấn mạnh, bất cứ phương pháp nào đưa ra để giải quyết vấn đề này cũng phải được xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo để đảm bảo được đầy đủ nhất quyền lợi người lao động. Quan trọng nữa là phải nhận được sự đồng thuận cao của người lao động.

Dự thảo luật sẽ còn hơn 1 tháng nữa để người lao động tiếp tục được góp ý kiến, thể hiện nguyện vọng của mình để làm sao tìm được phương án tốt nhất đáp ứng nguyện vọng của người lao động và phù hợp với mục tiêu luật hướng tới.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top