Video

Vượt qua nỗi đau da cam

Thứ Sáu, 09/08/2024 11:43 Lượt xem: 6892 In bài viết

ĐBP - Chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như tổ chức, cá nhân đã dành sự quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam/dioxin bằng nhiều hoạt động thiết thực. Cùng với việc quan tâm, chăm lo đó, nhiều nạn nhân đã tự lực vươn lên, chiến thắng bệnh tật, vết thương do chiến tranh để lại; sống tốt và có ích hơn với cộng đồng và xã hội.

Tuổi thanh xuân, ông Nguyễn Văn Thanh, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Sau khi đất nước giải phóng, ông trở về với cuộc sống đời thường và lập gia đình. Do ảnh hưởng của chất độc hóa học, đến nay sức khỏe bản thân ông Thanh bị suy giảm nhiều, song với tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông đã nỗ lực nuôi dạy và giáo dục con cháu trong gia đình tích cực học tập, lao động sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước để trở thành người có ích cho xã hội. Cùng với việc giáo dục, dạy bảo con cháu nên người, ông Thanh còn giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đây là mô hình phát triển kinh tế theo hướng VAC của một hội viên Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ghép 2 phường: Mường Thanh và Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ). Dù còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhưng với tinh thần người lính, phát huy tấm gương bộ đội Cụ Hồ, các hội viên luôn mẫu mực, nêu cao tinh thần phát triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

Đến nay, Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ghép 2 phường: Mường Thanh và Noong Bua có gần 20 hội viên, trong đó đều là những người lính trực tiếp trong chiến trường miền Nam. Bị nhiễm chất độc hóa học, không chỉ bản thân họ phải gánh chịu những đau đớn, mà những người con, người cháu của họ cũng phải chịu hậu quả do chiến tranh để lại. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau thương đó, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã trở thành nhân tố tích cực, gương mẫu trong nuôi dạy, giáo dục con cháu và lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thôn, bản văn hóa. Minh chứng là trong những năm qua, 100% hội viên của chi hội đều là gia đình văn hóa, có nhiều hộ còn là gia đình văn hóa tiêu biểu và không có hội viên vi phạm pháp luật.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 230 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 180 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia hoạt động kháng chiến và gần 50 trường hợp là con, cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Mặc dù là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế khiến  các  cuộc vận động gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần vì nạn nhân da cam, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm vẫn luôn chăm lo giúp đỡ nạn nhân trong tỉnh vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật. 10 năm qua, các cơ quan, ban, ngành, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Trong đó đã làm 3 ngôi nhà tình nghĩa (trị giá 150 triệu đồng); sửa chữa 3 nhà nạn nhân (trị giá 45 triệu đồng) và hỗ trợ làm các công trình phụ… cho gia đình nạn nhân da cam/dioxin. Ngoài ra, hàng năm các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành, đoàn thể cũng quan tâm và tặng quà cho nạn nhân nhân dịp các ngày 27/7, 10/8 và Tết Nguyên đán.

Xác định việc chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam và gia đình vượt qua khó khăn. Cùng với sự đồng thuận, đóng góp và chia sẻ của xã hội, các nhà hảo tâm, Hội cũng đã quan tâm đến sức khỏe của hội viên; tổ chức đưa hơn 240 lượt nạn nhân đi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Những việc làm thiết thực đó đã giúp đỡ các nạn nhân vượt qua đau đớn về thể xác, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Chiến tranh đã lùi, song vết thương chiến tranh do chất độc da cam/dioxin gây ra với nhiều nạn nhân và gia đình của họ vẫn không ngừng gây đau thương. Di chứng chất độc hóa học không chỉ tàn phá tinh thần, thể xác của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ con, cháu. Tuy phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát ấy, song với sự đùm bọc, thương yêu giúp đỡ của cấp, các ngành, cùng với nỗ lực vươn lên của bản thân, gia đình, các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vượt qua đau đớn về thể xác, tiếp tục sống lạc quan, chiến thắng bệnh tật và tích cực lao động, sản xuất, đóng góp công sức cho sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Phạm Quang

Back To Top