Kinh tếNgân hàng CSXH

Hỗ trợ người hoàn lương làm lại cuộc đời

07:52 - Thứ Tư, 24/07/2024 Lượt xem: 2968 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù, hoàn lương sẽ được vay vốn tín dụng chính sách lên đến 100 triệu đồng/người để phát triển sản xuất, làm lại cuộc đời. Tại huyện Nậm Pồ, việc vay vốn tín dụng chính sách được xem là cánh cửa mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Nậm Pồ kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại xã Nà Khoa.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, cuộc sống của anh Khoàng Văn Tân, bản Nà Khoa, xã Nà Khoa vẫn rơi vào bế tắc bởi không việc làm, không có vốn nên anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Anh Tân chia sẻ: Không có vốn làm gì cũng khó, nhiều người thấy tôi có án và mới ra tù, họ ngại không dám cho vay.

Nhằm giúp anh Tân tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương, công an xã đã trực tiếp xuống nhà gặp gỡ, động viên, tìm hiểu nhu cầu làm ăn và lập hồ sơ để anh được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nậm Pồ. Tháng 4/2024, anh Tân được vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Có vốn trong tay, anh Tân đầu tư mua 4 con trâu với hy vọng thời gian tới, số lượng trâu sẽ tăng lên, mang lại thu nhập cho gia đình.

Còn với anh Hoàng Công Dung, bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ, trước đây vì nghe theo lời bạn bè rủ rê đã sa chân vào con đường phạm tội, bị bắt quả tang và lĩnh án tù vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Nhận thức được lỗi lầm của mình nên sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về với gia đình, xã hội, anh Dung quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhờ chấp hành tốt các quy định của pháp luật nên cuối năm 2023, anh Dung được xét duyệt và tạo điều kiện vay 100 triệu đồng vốn tín dụng chính sách. Có vốn như tiếp thêm động lực, suốt gần 8 tháng qua, không quản ngại thời tiết khắc nghiệt nơi vùng biên giới, vợ chồng anh Dung ngày ngày cần mẫn cải tạo hơn 1.500m2 đất của gia đình để nuôi lợn, gà, đào ao thả cá, làm kinh tế theo mô hình VAC.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Khoàng Văn Tân, bản Nà Khoa, xã Nà Khoa đầu tư mua trâu phát triển kinh tế.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Còn với cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận, có thể vay lên đến 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay sau Quyết định 22 được triển khai, đơn vị đã khẩn trương phối hợp với công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời. Điều kiện vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù là người có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội do công an xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn nhiều nhất là 5 năm.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Nậm Pồ phối hợp với công an, chính quyền địa phương thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn.

Nậm Pồ là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy. Hiện nay toàn huyện có gần 270 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 111 người tái hòa nhập cộng đồng, 38 người sau cai nghiện trở về địa phương. Có những trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ thì nguy cơ tái phạm tội vẫn xảy ra. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý... thì việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để nhiều cuộc đời được mở sang trang mới.

Từ những khách hàng đầu tiên được vay vốn, đến nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã có 6 người chấp hành xong án tù được giải ngân với số tiền 600 triệu đồng. Có thể nói, đây là một chính sách mang tính nhân văn rất cao của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã. Do đó, khi người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần giảm tỷ lệ phạm tội. Đây cũng là cách góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top