Kinh tếNgân hàng CSXH

Động lực giúp thanh niên khởi nghiệp

16:09 - Thứ Tư, 21/08/2024 Lượt xem: 2154 In bài viết

ĐBP - Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), thời gian qua, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt nhu cầu, tạo điều kiện để ĐVTN được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Đoàn viên Lù Văn Đức, bản Cang 2, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình nuôi ong mật tự nhiên.

Cách đây gần 5 năm, thông qua Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, anh Lù Văn Đức, bản Cang 2, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) được Tỉnh đoàn và Đoàn Thanh niên xã tạo điều kiện cho vay vốn qua kênh Ngân hàng CSXH. Với số tiền vay 50 triệu đồng, anh Đức đã đầu tư thực hiện mô hình trồng cây mận và nuôi ong rừng. Thật may mắn, khi gặp khó khăn về nguồn vốn để khởi nghiệp, các tổ chức Đoàn đã tạo điều kiện để anh Đức được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận cũng như nuôi ong để mô hình có thể phát triển và mang lại thu nhập ổn định như ngày hôm nay.

Anh Đức chia sẻ: “Mặc dù có lợi thế về quỹ đất rộng nhưng trước đây, bản thân tôi không biết phải làm gì để phát triển kinh tế. Vì không có vốn đầu tư nên đất đai chỉ để trồng tre lấy măng, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi đi tham quan các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ở một số tỉnh lân cận và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, tôi đã sử dụng để nuôi ong tự nhiên. Do mật ong tự nhiên có giá cao, được thị trường ưa chuộng nên mấy năm gần đây thu nhập của gia đình cũng dần ổn định. Khi điều kiện kinh tế đã được cải thiện, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô để mang lại thu nhập cao hơn”.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao làm giàu nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với thanh niên Vì Văn Tha, bản Lói, xã Mường Lói (huyện Điện Biên). Cơ hội thực sự đến khi anh được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi. Từ số vốn ban đầu ấy, chàng thanh niên Vì A Tha đã đầu tư mua bò giống, xây dựng chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho đàn bò nhằm phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò thương phẩm. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi cũng như tích lũy được kinh nghiệm từ các lớp tập huấn và áp dụng vào mô hình của mình nên đàn bò của gia đình anh luôn phát triển khỏe mạnh. Mỗi năm, gia đình anh Tha thường xuất bán 3 con bò thịt, thu nhập gần 100 triệu đồng.

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, thời gian qua, toàn tỉnh đã phát triển được nhiều mô hình kinh tế của ĐVTN.

Anh Tha bày tỏ: “Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên, gia đình tôi được bình xét cho vay 50 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi bò tập trung nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Cảm ơn các tổ chức Đoàn và Ngân hàng CSXH đã giúp tôi có được mô hình phát triển kinh tế như ngày hôm nay; từ đó vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê nhà”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Mường Lói có hơn 300 gia đình ĐVTN được tiếp cận và vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Thông qua nguồn vốn vay đó đã giúp cho ĐVTN có cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Chị Lò Thị Pín, Bí thư Đoàn xã Mường Lói chia sẻ: “Để nguồn vốn vay sử dụng có hiệu quả, Đoàn Thanh niên xã Mường Lói đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện triển khai các văn bản, các chương trình ưu đãi của ngân hàng đến ĐVTN. Khi cho vay, chúng tôi cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét một cách công khai, minh bạch để nguồn vốn cho vay đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích...”.

Đến hết tháng 7/2024, hệ thống Đoàn toàn tỉnh đang quản lý hơn 1.200 tỷ đồng vốn vay ủy thác (tăng 125 tỷ so với năm 2023); thông qua 551 tổ tiết kiệm và vay vốn với 19.737 hộ vay. Từ nguồn vốn này, các hộ thanh niên đã tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi CSXH đã hỗ trợ cho các mô hình của ĐVTN phát triển kinh tế thành công, giúp hàng nghìn thanh niên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân; tạo hiệu ứng, lan tỏa trong ĐVTN toàn tỉnh. Phát huy những kết quả tích cực đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 181/NQ-CP của Chính phủ cho ĐVTN. Chỉ đạo Đoàn cấp xã phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH thực hiện rà soát đối tượng thụ hưởng, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ; đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích.

Khi các mô hình ngày càng phát triển, ĐVTN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Đoàn các cấp tích cực phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ viên trong việc trả nợ, trả lãi, sử dụng đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra, giám sát các món vay đến hạn. Phối hợp với Ngân hàng CSXH địa phương đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ khoanh đến hạn, nợ không có khả năng thu hồi… Chỉ đạo Đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng… Từ đó tổ chức Đoàn trở thành cầu nối để thanh niên, người dân được tiếp cận tín dụng ưu đãi, giúp cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các tổ chức Đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn nghiệp vụ quản lý chương trình ủy thác cho cán bộ Đoàn, đoàn thể. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... với hoạt động vay vốn tín dụng CSXH để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi trong ĐVTN.

Bài, ảnh: Thanh Niên
Bình luận

Tin khác

Back To Top