Nắm chắc tư tưởng bộ đội dịp cuối năm

10:10 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 5251 In bài viết

Cuối năm cũ, đầu năm mới là khoảng thời gian cao điểm diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động, dễ khiến tư tưởng bộ đội bị chi phối.

 Đây cũng là vấn đề được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đặt ra, yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân làm tốt công tác quản lý tư tưởng trong thời điểm này, bảo đảm tinh thần bộ đội được giữ vững, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trang Ý kiến chiến sĩ nêu kinh nghiệm của một số đơn vị thuộc Quân khu 3 về công tác này.

Từ kinh nghiệm quản lý bộ đội nhiều năm, Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 513 và nhiều cán bộ các đơn vị thuộc Quân khu 3 cho biết, sau một năm căng mình thực hiện nhiệm vụ, dịp cuối năm là thời điểm bộ đội dễ có tâm lý thỏa mãn, xả hơi. Ở những đơn vị có chiến sĩ sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) có thể xuất hiện tình trạng thiếu tập trung trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nền nếp, chế độ không nghiêm túc. Ngoài ra, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ do phải trực xa nhà, nhất là những quân nhân làm nhiệm vụ ở đơn vị huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Những đặc điểm trên đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải chủ động nắm bắt, dự báo diễn biến tư tưởng của bộ đội, từ đó có biện pháp giáo dục, động viên, quản lý từ sớm.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) trò chuyện sau giờ thực hiện nhiệm vụ. 

Tùy theo đặc thù mỗi đơn vị, đối tượng quản lý mà cấp ủy, chỉ huy các cấp triển khai biện pháp nắm, giải quyết tư tưởng cho phù hợp. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp phân đội. Là những người gần gũi bộ đội nhất, cán bộ cấp phân đội phải như người anh, người bạn của chiến sĩ; giải thích thấu tình đạt lý tâm tư, vướng mắc của bộ đội. Có như vậy chiến sĩ mới tin tưởng chỉ huy, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, sẵn sàng đối diện với khó khăn, vượt qua thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lơ là trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nền nếp, chế độ không nghiêm để tạo tính răn đe; quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thiếu tá Lê Xuân Dương, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 513) chia sẻ: “Qua nhiều năm quản lý bộ đội xây dựng các công trình ở đảo xa, tôi thấy rằng, dù cuộc sống ngoài đảo khó khăn, thiếu thốn nhưng nếu công tác giáo dục, động viên, chăm lo bộ đội được tiến hành thường xuyên, chu đáo thì anh em luôn yên tâm công tác, cống hiến. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy phải gần gũi bộ đội, linh hoạt trong quản lý tư tưởng, chú trọng mở rộng và phát huy dân chủ thông qua sinh hoạt hằng ngày, ngày chính trị văn hóa tinh thần hằng tháng...”.

Tìm hiểu tại Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, chúng tôi được biết, từ đầu tháng 12, sau khi cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong năm, Trung đoàn yêu cầu cán bộ các cấp tăng cường tổ chức sinh hoạt, đối thoại dân chủ với chiến sĩ sắp xuất ngũ. Chỉ huy Trung đoàn và cán bộ các cơ quan trực tiếp xuống dự sinh hoạt để lắng nghe, giải đáp thắc mắc của bộ đội. Qua đó nắm bắt tâm tư, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, nhất là việc nghỉ phép, định hướng nghề nghiệp và những chế độ, tiêu chuẩn quân nhân được hưởng khi hoàn thành NVQS. Đây cũng là dịp để chỉ huy các cấp giáo dục, động viên nâng cao ý thức tự giác chấp hành nền nếp, chế độ của bộ đội, ngăn chặn tư tưởng “chợ chiều cuối khóa”, rèn luyện cầm chừng có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật.

Tại Lữ đoàn 242-đơn vị có nhiều điểm đóng quân rải rác trên tuyến đảo Đông Bắc, chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan thường xuyên luân phiên kiểm tra, động viên bộ đội đóng quân trên các điểm đảo để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình công tác. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; quan tâm bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội; xây dựng mối đoàn kết cán-binh để bộ đội yên tâm công tác. Thiếu tá Phạm Khắc Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242) cho biết: “Đơn vị có 88 đồng chí chuẩn bị hoàn thành NVQS. Nhìn chung bộ đội đều yên tâm công tác, tự giác thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ huy buông lỏng quản lý sẽ khiến bộ đội dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, thậm chí vi phạm kỷ luật. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cán bộ trung đội, đại đội phải tăng cường giáo dục, động viên kết hợp sâu sát bám nắm, kiểm tra bộ đội, nhất là vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Các đơn vị có kế hoạch tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền và liên hoan ngọt để chia tay chiến sĩ xuất ngũ, qua đó xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó”. Binh nhất Nguyễn Văn Hòa, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn đảo Cô Tô tâm sự: “Thời gian còn lại trong quân ngũ không nhiều nên chúng tôi cảm thấy lưu luyến. Tuy vậy, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và tranh thủ thời gian để ôn lại kỷ niệm của những tháng ngày đã qua, sẻ chia về kế hoạch trong tương lai. Tôi rất thích các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa-văn nghệ giúp mọi người thêm gắn bó, đoàn kết và hiểu nhau hơn”.

---------

Tâm tình - Kiến nghị

Không buông lỏng quản lý bộ đội trong mọi thời điểm

Thời điểm này, đơn vị chúng tôi thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; làm công tác chuẩn bị huấn luyện, củng cố thao trường, bãi tập, mô hình học cụ; làm công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán... Đây cũng là thời điểm bộ đội dễ nảy sinh tâm lý nhớ nhà, một số chiến sĩ có biểu hiện xả hơi, thiếu ý thức rèn luyện có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật, làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của đơn vị. 

Bộ đội Tiểu đoàn 114, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: VĂN THIỆU 

Để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này, kinh nghiệm của đơn vị chúng tôi là luôn duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp chính quy, trực sẵn sàng chiến đấu, không buông lỏng quản lý bộ đội trong mọi thời điểm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát trong quản lý, chỉ huy bộ đội, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật. Chủ động rà soát, nắm chắc và quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội, quan tâm những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn để theo dõi, động viên, có biện pháp xử lý kịp thời. Phát huy nhân tố tích cực, vai trò tiền phong gương mẫu của những đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ trong việc phân công kèm cặp, giúp đỡ những quân nhân chậm tiến... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động xây dựng các hoạt động vui chơi giải trí để thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia; tránh để thời gian nhàm chán dễ gây tâm lý chán nản cho bộ đội. Đội ngũ cán bộ cũng cần tích cực tham gia các hoạt động cùng đơn vị để vừa quản lý, vừa nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội theo từng nhiệm vụ, từng bộ phận để có biện pháp giáo dục phù hợp. Một nội dung nữa là đơn vị đẩy mạnh xây dựng cảnh quan, môi trường, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị...

Trung tá NGUYỄN CÔNG THỨC

(Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân)

--------------------

Tăng cường quản lý, giáo dục bộ đội

Các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có đặc thù là khối lượng công việc nhiều, cường độ huấn luyện cao, đối tượng huấn luyện, quản lý đa dạng, đến từ nhiều vùng miền, trình độ nhận thức khác nhau nên công tác nắm bắt, quản lý tư tưởng, duy trì kỷ luật bộ đội là một nội dung rất quan trọng và không ít khó khăn. Hơn nữa, cuối năm là thời điểm đã qua giai đoạn cao điểm huấn luyện, bộ đội chuẩn bị xuất ngũ; cán bộ phân tán do thực hiện nhiều nhiệm vụ... nếu không duy trì kỷ luật thường xuyên, bộ đội dễ nảy sinh tư tưởng “chợ chiều cuối khóa”, làm việc qua loa, thiếu tinh thần trách nhiệm, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp, dễ vi phạm nền nếp, chế độ... ảnh hưởng lớn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Để kịp thời nắm bắt tư tưởng, quản lý, duy trì nghiêm kỷ luật, tôi cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp. Cán bộ các cấp cần đánh giá đúng thực chất tình hình đơn vị, thường xuyên dự báo các nguy cơ tiềm ẩn vi phạm của bộ đội, kịp thời có các biện pháp để ngăn chặn, không để bị động, bất ngờ. Mọi hoạt động của đơn vị phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch bảo đảm an toàn và được quán triệt đầy đủ tới mọi cán bộ, chiến sĩ; tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn tuyệt đối. Cùng với đó là tiến hành giáo dục toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, coi trọng giáo dục, thuyết phục, kiên trì với những quân nhân chậm tiến, cá biệt. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền, người dân địa phương và gia đình quân nhân kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, tạo môi trường lành mạnh, gần gũi, đoàn kết trong đơn vị với phương châm “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”.

Đại úy NGUYỄN VĂN TÙNG

(Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

 -------------

Tạo không khí cởi mở, quan tâm hoàn cảnh gia đình

Tôi cho rằng, cuối năm là thời điểm mà nếu cán bộ không sâu sát, kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng thì bộ đội dễ lơ là, chểnh mảng, chấp hành kỷ luật không nghiêm, nhất là đối với những quân nhân chậm tiến. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan vì đơn vị đã tổng kết năm và có kết quả thi đua, khen thưởng; tâm lý xả hơi sau khoảng thời gian dài huấn luyện, diễn tập với cường độ cao, vất vả. Mặt khác, đối với chiến sĩ năm thứ nhất phải đón Tết xa gia đình sẽ không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân... Thực tế này đặt ra yêu cầu chỉ huy đơn vị cần phải làm tốt công tác quản lý tư tưởng bộ đội, nhất là giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu vào các dịp lễ, Tết. Làm cho bộ đội nhận thức rõ chức trách, nhiệm vụ, tự giác chấp hành kỷ luật, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong canh trực, tuần tra...

Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 4, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152, Quân khu 9) vui chơi trong ngày nghỉ. Ảnh: HỮU NHIÊN 

Là trung đội trưởng, để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật giai đoạn này, tôi luôn cố gắng tạo không khí cởi mở, hòa đồng trong trung đội thông qua các hoạt động ngày nghỉ, giờ nghỉ như thể thao, văn hóa-văn nghệ; bố trí thời gian phù hợp để chiến sĩ được liên lạc với gia đình, cho mượn điện thoại thông minh gọi video call với người thân vào cuối tuần; chủ động rà soát, nắm hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ, giữ mối liên hệ với gia đình để phối hợp giáo dục, rèn luyện bộ đội; báo cáo cấp trên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người thân đau ốm để gặp gỡ, động viên anh em an tâm công tác... Tôi cũng thường xuyên bao quát các nhiệm vụ, phát huy sở trường, năng lực từng chiến sĩ, động viên từng cá nhân không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của tiểu đội trưởng để nắm bắt tư tưởng bộ đội, nhất là những đồng chí có biểu hiện ít tương tác với đồng đội, thay đổi thói quen, buồn chán, ít tham gia hoạt động tập thể... Đây là những biểu hiện tư tưởng ban đầu, nếu không chủ động giải quyết sẽ dễ dẫn đến vi phạm.

Trung úy TRƯƠNG HOÀNG TÂM

(Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152, Quân khu 9)

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top