Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Mở rộng hợp tác quốc tế và thương mại quốc tế về quốc phòng, an ninh

09:33 - Thứ Ba, 28/05/2024 Lượt xem: 5266 In bài viết

Để phát triển được nền công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) hiện đại, tự lực, tự cường, bên cạnh việc phát huy nội lực, tự nghiên cứu, sản xuất thì đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ về CNQP là giải pháp mang đến sự đột phá.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, ở nước ta, việc hợp tác quốc tế về CNQP, AN chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đúc rút kinh nghiệm, triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ về CNQP vẫn còn hạn chế. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp CNQP năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế chưa phát huy hết được tiềm lực vốn có.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong Pháp lệnh CNQP năm 2008. Để triển khai được đơn hàng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN phải báo cáo, xin phép, phê duyệt của rất nhiều cấp, cơ quan, ban ngành; thủ tục kéo dài mất cơ hội thực hiện đơn hàng. Trong khi đó, năng lực sản xuất của nhiều cơ sở CNQP trong thời bình mới chỉ thực hiện khoảng 30-40%, gây lãng phí nguồn lực.

Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan Triển lãm Hàng không Singapore. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Trước thực tế này, các doanh nghiệp CNQP đang rất mong chờ dự thảo Luật CNQP, AN và động viên công nghiệp cụ thể hóa việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ CNQP, AN; cụ thể hóa việc xuất khẩu sản phẩm QP, AN, dịch vụ CNQP, AN. Việc quy định cụ thể là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện việc xuất, nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ QP, AN khi Luật được Quốc hội thông qua.

Các đơn vị CNQP cũng kỳ vọng dự thảo Luật quy định rõ về thẩm quyền quyết định việc xuất khẩu sản phẩm dịch vụ CNQP, AN. Theo đó, tại dự thảo Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xuất khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNQP, AN còn lại. Việc quy định rõ thẩm quyền quyết định như trong dự thảo Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, rõ ràng trong tổ chức triển khai thực hiện nội dung xuất khẩu sản phẩm QP, AN, dịch vụ CNQP, AN.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top