Sinh hoạt tư tưởng

Bình xét thi đua...

07:39 - Thứ Tư, 09/11/2022 Lượt xem: 3402 In bài viết

ĐBP - Câu: “Đường sữa chia từ trên xuống”... thường gắn với việc biểu dương, khen thưởng, ghi nhận công lao, thành tích của một tổ chức hay cá nhân nào đó. Và khi đề xuất trao bằng khen, giấy khen hay bất cứ một hình thức “đường sữa” nào đó, người ta thường tuân theo một cái lệ đó là từ  trên xuống dưới, cấp trưởng trước, cấp phó sau rồi mới đến hàng ngũ nhân viên.

Hiện nay khi hoạt động thi đua - khen thưởng đã được cụ thể bằng luật, mỗi một cơ quan Nhà nước và các đơn vị thành viên chỉ được nhận các hình thức khen thưởng với một hạn mức nhất định. Con số thường không quá 15% cá nhân được khen thưởng trong tổng số cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động của đơn vị. Chính vì thế, việc một “nhân viên” được trao thưởng là rất ít xảy ra, trừ khi cá nhân đó phải có thành tích xuất sắc.

Trong một cơ quan Nhà nước, ngoài hoạt động chính là chuyên môn, thì có sự hình thành, hoạt động của nhiều tổ chức chính trị - xã hội. Chính vì thế hàng năm có nhiều kênh để đánh giá, bình xét, xếp loại cán bộ, đảng viên, nhân viên và người lao động. Nếu là đảng viên sẽ được bình chọn, xếp loại với các mức, như: Đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Nếu theo chuyên môn sẽ có các thang: Lao động tiên tiến, Lao động xuất sắc, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Ngoài ra, còn có sự tham gia bầu chọn, bình xét, phân loại của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên... Và thực tế cho thấy, việc khen thưởng các hạng mục thường được bổ đầu từ trên xuống dưới với tỷ lệ theo quy định. Nói một cách khách quan là, một đơn vị xuất sắc, hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt nhiều thành tích là nhờ vào những người đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hiệu quả các phong trào thi đua, chương trình công tác.

Tuy nhiên, nếu dành sự ưu ái quá mức cho đội ngũ cốt cán mà quên mất các chính sách khen thưởng, động viên đội ngũ nhân viên, người lao động trực tiếp thì quả thiếu công bằng. Trong khi đó, theo chiều hướng ngược lại, từ dưới lên,  đương nhiên lực lượng công nhân viên, “chuyên viên, cán sự” sẽ là các đối tượng lĩnh “cuốc xẻng” trước tiên. Nói đi thì cũng phải nói lại, dẫu cho có “đường sữa”, thì người lao động vẫn phải làm việc, lao động, sản xuất, đây là phương cách để họ kiếm sống. Chỉ có điều, các cán bộ cấp trưởng, cấp phó cần công tâm, khách quan hơn trong mỗi một việc làm, hành động để điều chỉnh mối quan hệ của cơ quan, đơn vị trong đó có cả việc khen đúng người, biểu dương đúng việc, kỷ luật đúng tội.

Câu thành ngữ “đường sữa và cuốc xẻng” không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ thực tiễn khách quan. Và để tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển, không cách nào hơn người lãnh đạo phải công tâm khách quan, đánh giá kết quả công tác của mỗi cá nhân đúng theo những gì mà họ xứng đáng. Việc tôn vinh đúng người, khen đúng việc không chỉ mang lại động lực cho từng cá nhân mà sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị. Cũng nhờ vậy mà người ta sẵn sàng cầm lấy “cuốc xẻng” kể cả khi không được yêu cầu.

Hữu Thỉnh (huyện Mường Nhé)
Bình luận

Tin khác

Back To Top