Tăng cường vai trò lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng

07:41 - Thứ Tư, 09/11/2022 Lượt xem: 3047 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục duy trì và nâng cao các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng...”. Để hoàn thành mục tiêu đó, Đảng bộ Trường luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo trong việc xác định nội dung, phương thức lãnh đạo thực hiện mọi mặt của nhà trường, đặc biệt lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đảng bộ Trường Chính trị hiện có 5 chi bộ và 42 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ coi trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xác định đây là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản và hàng đầu, gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu cán bộ của hệ thống chính trị; đảm bảo sự cân đối hợp lý về quy mô, hình thức đào tạo, trình độ đào tạo. Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong 3 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; trung cấp lý luận chính trị 50 lớp với 3.500 học viên; liên kết đào tạo 36 cử nhân báo chí; 30 thạc sĩ xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; 30 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương với 2.410 học viên; Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân: 54 lớp với 2.022 đại biểu; bồi dưỡng chức danh công chức, bồi dưỡng cấp ủy, bồi dưỡng các tổ chức Đảng, đoàn thể: 63 lớp với gần 3.000 học viên. Phối hợp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị 5 lớp với khoảng  420 học viên... Các hình thức đào tạo được đa dạng hóa: tập trung, không tập trung, trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, phối hợp liên kết... nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng và phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ cho các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh.

Bên cạnh đó, Đảng bộ quan tâm lãnh đạo hoạt động khoa học, bởi hoạt động khoa học có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, làm tiền đề cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển, hoạt động khoa học nhằm nâng cao trình độ tư duy lý luận và năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, học viên... gắn quá trình đào tạo của Nhà trường với thực tiễn hoạt động thực tiễn, công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức khi ra trường.

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, từ giữa năm 2021 đến nay, Đảng bộ tập trung lãnh đạo  xây dựng, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, bộ câu hỏi trắc nghiệm, bộ đề thi phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng... Từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã thực hiện 15 đề tài, trong đó: 05 đề tài cấp  cấp trường; 10 đề tài cấp khoa, phòng. Mỗi năm xuất bản 2 kỳ nội san; năm 2022 xuất bản 3 kỳ “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Bình quân mỗi năm, khoảng 80 - 85% các đề tài được triển khai để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.  Những năm gần đây, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tổ chức 7 hội thảo từ cấp khoa, phòng, cấp trường đến hội thảo cấp tỉnh thu hút các giảng viên, báo cáo viên, các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh tham gia... góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín của nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

Trong 3 năm, từ năm 2020 - 2022, thực hiện quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hàng năm 100% giảng viên của nhà trường đều đi nghiên cứu thực tế cơ sở. Những năm gần đây, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, xác định nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Qua nghiên cứu thực tế, vốn kiến thức thực tiễn của giảng viên được nâng lên, phong phú, từ đó linh hoạt, tự tin bổ sung, cập nhật kiến thức vào bài giảng. Thông qua đó, giảng viên được rèn luyện, trưởng thành trong xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra; góp phần cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn đào tạo lý luận chính trị theo Quy chế, quy định được thắt chặt, yêu cầu các tiêu chí, tiêu chuẩn để được tham gia học tập ngày càng nghiêm ngặt nên số lượng mở lớp, quy mô lớp học bị thu hẹp. Đội ngũ giảng viên thường mạnh về lý thuyết, ít cọ xát với môi trường thực tiễn. Một bộ phận giảng viên vẫn có tâm lý ngại đổi mới nên chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không cao...

Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh tập trung đổi mới mạnh mẽ trên một số phương diện: Xây dựng, củng cố, giữ vững đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quyết đoán, quyết liệt trong hành động. Đảng bộ, thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Trường Chính trị phải kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII của Đảng) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến thực sự về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong toàn Đảng bộ. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Cùng với đó là, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định về lãnh đạo, quản lý của Nhà trường, xây dựng Trường Chính trị tỉnh chuẩn bậc 1 vào năm 2025, giai đoạn 2 vào năm 2030. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trên cơ sở Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong toàn Đảng bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết của tập thể cấp ủy, tính tiền phong, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị

Đảng bộ tập trung phát huy sức mạnh của các ủy viên ban chấp hành, chi bộ. Đòi hỏi người đứng đầu các chi bộ khoa, phòng  phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chi bộ. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên bằng những chủ trương, chính sách, giải pháp linh hoạt trong từng lĩnh vực hoạt động hoàn cảnh cụ thể, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, bản lĩnh, có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu về lý luận chính trị, có phương pháp sư phạm hiện đại, sử dụng thành thạo công nghệ, tâm huyết với nghề. Tập trung lãnh đạo xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao để cống hiến, phục vụ lâu dài tại Trường...

Nguyễn Thị Thanh Chuyên (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top