Ðào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ gắn với yêu cầu phát triển

08:47 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 4800 In bài viết

ĐBP - Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá nhằm quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững được đề ra tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức (CCVC) đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua, nhân lực trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (LLCT), thái độ công vụ...

Học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung khóa XXIV, Ðảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thực tế cơ sở tại Mường Nhé với nhiều hoạt động ý nghĩa: Tìm hiểu hệ thống chính trị cơ sở, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hộ nghèo. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ðến đầu năm 2023, tổng số đội ngũ cán bộ, CCVC tỉnh ta là 24.088 người. Trong đó, cấp tỉnh 7.229 người, cấp huyện 14.274 người, cấp xã 2.585 người. Những năm qua, việc cử cán bộ, CCVC đi đào tạo, bồi dưỡng đã gắn với thực tiễn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương. Cán bộ, CCVC được tạo điều kiện tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trang bị, cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, về hội nhập, kỹ năng thực thi công vụ, đạo đức công vụ, văn hóa công sở... Ðồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn về ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, của đơn vị.

Riêng trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh ta đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 26.236 lượt cán bộ, CCVC, vượt 6,5% so với kế hoạch đề ra. Năm 2023 này, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ có 18.725 lượt cán bộ, CCVC được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó dự kiến hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức và hơn 14.600 lượt viên chức với các nội dung: Ðào tạo chuyên môn nghiệp vụ, LLCT; bồi dưỡng về quản lý Nhà nước; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số, an ninh - quốc phòng...

Từ những hoạt động đó, chất lượng nhân lực là cán bộ, CCVC tỉnh ta ngày càng nâng lên. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Trưởng phòng CCVC, Sở Nội vụ thông tin: “Ước đến hết năm 2023, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên có trình độ đại học (trong đó 50% trình độ trên đại học) và 100% được đào tạo LLCT, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh đang đảm nhiệm. 99,01% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (trong đó 96,88% có trình độ từ trung cấp trở lên); 98,33% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng LLCT (trong đó 95,52% có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên)”.

Những nội dung trên nằm trong mục tiêu phấn đấu (đến năm 2025) được xác định trong Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa khâu đột phá. Ðiều thứ nhất đã đạt và vượt mục tiêu đề ra: Cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên 100% có trình độ đại học (trong đó 40% trở lên có trình độ trên đại học); 100% được đào tạo LLCT, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí quy hoạch. Cán bộ, công chức cấp xã hiện có 1,12% trình độ chuyên môn trên đại học, 64,26% trình độ đại học; 32,88% cao đẳng, trung cấp; còn lại là sơ cấp; trình độ LLCT cao cấp, cử nhân chiếm 1,86%, trung cấp chiếm 70,21%.

Tại huyện Tuần Giáo, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được quan tâm đặc biệt. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên. Ông Quàng Văn Cương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuần Giáo cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xem xét cử đi đào tạo trung cấp LLCT và nâng cao trình độ chuyên môn cho 191 trường hợp; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử 19 đồng chí đi đào tạo cao cấp LLCT; cử nhiều lượt cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ theo chức danh... Qua đó, các tiêu chuẩn về trình độ cơ bản đều đạt chỉ tiêu Nghị quyết, cụ thể: 100% lãnh đạo huyện có trình độ đại học chuyên môn và cao cấp LLCT; 100% cán bộ lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể có trình độ đại học chuyên môn và trung cấp LLCT trở lên. Cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 100% (chỉ tiêu nghị quyết là 97%), trong đó đại học 55/96 đồng chí; trình độ LLCT trung cấp trở lên 100% (chỉ tiêu 85%).

Có thể thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã từng bước gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, thực tiễn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC. Thực tế, mỗi ngành nghề có yêu cầu, đòi hỏi riêng về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng thì tỉnh ta có cơ chế, chính sách thu hút, phát triển nhân lực chất lượng cao. Ðồng thời quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhân lực một số ngành, lĩnh vực đặc thù, bao gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, công nghệ thông tin. Mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở các cấp, các ngành, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top