Màu Tổ quốc trên dải biên cương

10:00 - Thứ Bảy, 02/09/2023 Lượt xem: 6260 In bài viết

ĐBP - Trong mỗi chuyến công tác dọc tuyến biên giới, hình ảnh luôn khiến chúng tôi xúc động là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên những nóc nhà của đồng bào các dân tộc. Thiêng liêng biết bao khi quốc kỳ luôn hiện hữu trên dọc dài biên cương hay rừng sâu núi thẳm!

Một góc trung tâm xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên.

Biên giới thắm màu cờ

Trên cung đường xuyên cánh rừng nguyên sinh thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé để đến biên giới Sín Thầu, chúng tôi đi giữa mùa thay lá. Mỗi năm, cánh rừng trải qua hai lần “thay áo”. Lần thứ nhất (khoảng từ tháng 4 - 10) là thời điểm chúng tôi vừa đi, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, mầm non đâm chồi. Lần thứ hai (khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau), khi thời tiết cuối thu sang đông là mùa đẹp nhất!

Nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên yên bình, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu là nơi an cư của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là sắc màu cờ đỏ sao vàng nổi bật giữa những tán rừng xanh mướt. Cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trước cổng hay trên mỗi nóc nhà của người dân.

Bên hiên một ngôi nhà gỗ kiên cố, ông Mạ Xào Hòa, Trưởng bản đang thay cờ. Lý giải điều này, ông Hòa bảo: “Sau một đêm mưa gió lớn, lá cờ bị rách nên tôi phải thay mới. Nhà có thể chắp vá, nhưng cờ Tổ quốc là phải lành lặn, nguyên vẹn. Bởi đây là hình ảnh khẳng định chủ quyền quốc gia và cũng là niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân”.

Tại bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) những ngày này, không khí đón mừng Tết Ðộc lập cũng đang rộn rã. Mỗi cán bộ, đảng viên đều xắn tay áo cùng với Nhân dân dọn dẹp, vệ sinh những con đường liên bản, ngõ vào các hộ gia đình. Ở nhà Trưởng bản Vì Văn Khiên, các thành viên trong gia đình cũng tất bật dọn dẹp. Như thường lệ, ông Khiên cẩn thận lấy từ trong tủ ra lá cờ đỏ sao vàng. Ông vuốt cho phẳng phiu, rồi lắp cán và treo cờ trước mái hiên nhà sàn với tâm thế nghiêm trang. Chỉ trong một buổi sáng, trên 130 nóc và cả tuyến đường xuyên bản Mường Pồn 1 rợp bóng cờ Tổ quốc.

Ông Khiên chia sẻ: “Mỗi dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của đất nước, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là thông báo cho bà con treo cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng, là niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam nên tôi luôn trân trọng. Mỗi lần treo cờ là một lần nhắc nhở tôi nhớ đến Bác Hồ và thêm yêu quê hương, đất nước”.

Người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé treo cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2/9.

Lan tỏa niềm tự hào dân tộc

Ngày 2/9 cách đây 78 năm trước, tại Quảng trường Ba Ðình, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc, chính thức đưa nước ta trở thành nước độc lập tự do. Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm với hình sao vàng lấp lánh không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước, niềm tự hào mà còn thôi thúc mỗi người thêm nỗ lực phấn đấu để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hình ảnh đó càng ý nghĩa, giá trị và tự hào hơn ở các khu vực hải đảo, biên cương của Tổ quốc.

Ðiện Biên là tỉnh có đường biên giới dài (455,573km), tiếp giáp với 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc. Ðịa bàn biên giới trải dài trên 29 xã, thuộc 4 huyện (Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé); 299 thôn (bản), 3 cụm dân cư, với tổng dân số trên 25.700 hộ, hơn 127.100 khẩu thuộc 16 dân tộc cùng sinh sống. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã luôn tổ chức, duy trì nhiều hoạt động để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Trong đó, hoạt động đơn giản mà hiệu quả nhất đó là treo cờ đỏ sao vàng.

Với vị trí đặc biệt - ngã ba biên giới, nhiều năm qua cán bộ, người dân xã Sín Thầu luôn coi trọng hình ảnh lá cờ, như một cách khẳng định chủ quyền quốc gia. Bà con người Hà Nhì về “khai sơn lập bản” ở Sín Thầu từ giai đoạn cuối những năm 1950. Những bước chân lặn lội ngược dòng Mo Phí để đến mảnh đất cực Tây Tổ quốc dựng xây, hình thành nên 2 bản đầu tiên là Tả Kố Khừ và A Pa Chải. Những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên trên mảnh đất này là do cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) mang đến. Bản lập đến đâu, những lá cờ “phủ” đến đấy, như một dải “biên giới mềm” khẳng định chủ quyền quốc gia. Kể từ đó, bà con luôn gìn giữ sắc cờ như cuộc sống của mình.

“Hiện nay, cờ Tổ quốc thường được duy trì treo thường xuyên tại các trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa. Còn đối với các hộ dân, đa phần sẽ gấp và cất giữ gọn gàng. Cứ mỗi dịp chuẩn bị đến Tết, kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9 bà con đồng loạt treo cờ” - bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu chia sẻ. Không chỉ vậy, thời gian qua, cùng với các hoạt động ghé thăm đồn, chốt biên phòng và các địa bàn dân cư khu vực biên giới, nhiều đoàn công tác, khách du lịch đã có thêm một món quà đặc biệt, đó là tặng cờ Tổ quốc. Bà con rất phấn khởi khi đón nhận những món quà ý nghĩa như thế và luôn trân trọng, gìn giữ.

Các trang sử đều thể hiện, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ của đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Theo suốt chiều dài lịch sử kháng chiến, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đến hôm nay cờ đỏ sao vàng vẫn đang dẫn bước, cổ vũ niềm tin để đất nước bước vào thời kỳ đổi mới vươn tới no ấm, hạnh phúc cho mọi người dân. Cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên dải biên cương không chỉ thay lời khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc, cùng xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top