Hiệu quả trong tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo”

09:38 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 3903 In bài viết

Lò Văn Mừng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

ĐBP - Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 26/8/2016 về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 30/5/2022 về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025. Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 03-HD/BDVTU, ngày 19/9/2018 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo”... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, an ninh, quốc phòng...

Việc triển khai xây dựng các điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội gắn với các phong trào thi đua của Hội, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… đã được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia. Ðến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 1.130 mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị (Trong đó tập thể có: trên 720 mô hình, điển hình tiên tiến; cá nhân có trên: 420 mô hình, điển hình tiên tiến) trong đó chủ yếu là mô hình của Hội viên Nông dân các cấp. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy tác dụng tốt, có sức lan tỏa toàn xã hội, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được đúc rút và nhân rộng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của toàn thể Nhân dân nói chung và của Hội viên, nông dân các dân tộc nói riêng, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế có nhiều mô hình hay, sáng tạo của Hội viên, nông dân tham gia. Tiêu biểu như: Tổ liên kết trồng lạc đỏ, mô hình trồng đậu tương, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Toong (huyện Mường Nhé); mô hình hợp tác xã tổng hợp Thanh Yên, hợp tác xã tổng hợp nông sản sạch Ðiện Biên, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh thuộc huyện Ðiện Biên; Hợp tác xã Na Sang (huyện Mường Chà); Hợp tác xã Dược liệu Tây Bắc huyện Tuần Giáo...

Ðặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị văn minh, tiêu biểu như: Chị Quàng Thị Phương ở Thanh Xương, huyện Ðiện Biên đã vận động nhân dân đóng góp ngày công làm được 16 ngõ với diện tích 1.460m2, hiến 1.080m2 đất làm mương, vận động nhân dân làm nhà tắm, nhà vệ sinh; ông Tòng Văn Miên xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đã hiến 312m2 đất để làm đường và vận động 10 hộ dân hiến đất để thực hiện thi công 700m đường giao thông nông thôn với tổng số tiền trị giá hơn 100 triệu đồng; ông Lò Văn Sương ở xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo đã tự nguyện hiến 3.000m2 đất, trị giá 400 triệu đồng để xây dựng trụ sở UBND xã...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; văn minh đô thị, văn minh du lịch.

Các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng tiếp tục được hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia như: “Xóm tự quản tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”;  “Dòng họ tự quản về ANTT”... góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của các hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Nhiều hộ gia đình hội viên thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn đã có cuộc sống ổn định, trở thành hộ có kinh tế khá giả, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, chính quyền; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bình luận

Tin khác

Back To Top