Mường Lay 70 năm kiên cường vượt sóng

10:36 - Thứ Hai, 11/12/2023 Lượt xem: 4878 In bài viết

ĐBP - Nơi ven trời Tây Bắc xa xôi, có một thị xã ngã ba sông Đà đã đi vào thơ, nhạc và ký ức của biết bao văn nhân tài tử. Hôm nay, cùng với dòng sông, thị xã Mường Lay lại bước vào thơ ca thời đại mới với vẻ đẹp hiện đại, giàu bản sắc của một vùng tái định cư sớm chiều soi bóng xuống lòng hồ xanh như ngọc. Đằng sau vẻ đẹp đầy thơ mộng ấy là cả một hành trình kiên cường vượt sóng của vùng đất nhỏ bé, từng được ví như “chiếc cúc áo” cài trên ngực đất nước.

Một góc thị xã Mường Lay. Ảnh: Trần Nhâm

Thị xã Mường Lay hôm nay - thủ phủ của tỉnh Lai Châu trước kia có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa; là trung tâm, cái nôi văn hóa của đồng bào Thái, ngành Thái trắng ở Tây Bắc.

Ngày 12/12/1953, thủ phủ Lai Châu và huyện Châu Lai được giải phóng, khởi đầu cho hành trình phát triển và sau này kiến thiết, dựng xây nên thị xã Mường Lay - một đô thị “độc nhất vô nhị” vừa hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa truyền thống ở ngã ba sông.

Sau giải phóng, cán bộ và nhân dân thị xã đã nỗ lực không ngừng, cùng với nhân dân các dân tộc Tây Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống. Trước xu thế phát triển, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, ngày 8/10/1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập TX. Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu (nay là TX. Mường Lay, tỉnh Điện Biên). Từ đây, thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, là đô thị đầu tiên của tỉnh Lai Châu trước đây và Điện Biên ngày nay. Có thể nói, hiếm có mảnh đất nào như Mường Lay, là thị xã nhỏ nhất nước, nhưng lại trải qua nhiều thăng trầm trong bước đường phát triển. Thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp; nặng nề nhất là hai cơn lũ lịch sử năm 1990 và năm 1996 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng cũng như công sức bao năm dày công gây dựng. Nhân dân các dân tộc thị xã tiếp tục gồng mình khắc phục hậu quả, vượt khó đi lên, từng bước ổn định cuộc sống.

Một góc thị xã Mường Lay. Ảnh: Nguyễn Hiền

Năm 1995, tỉnh Lai Châu hoàn thành việc chuyển các cơ quan của tỉnh về Điện Biên Phủ, TX. Lai Châu không còn là thị xã tỉnh lỵ. Năm 2001, Quốc hội thông qua quyết định xây dựng thủy điện Sơn La, toàn bộ hạ tầng cơ sở, địa bàn dân cư của thị xã nằm trong vùng lòng hồ, phải di dời tái định cư. Hơn 10 năm, thị xã trong tình trạng không ổn định, với hàng loạt trăn trở “đi hay ở?”, “tồn tại hay không tồn tại?”… Đến năm 2004, Chính phủ quyết định chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Lai Châu mới và Điện Biên, lúc này thị xã bị thu hẹp địa bàn hành chính, dân số giảm, đội ngũ cán bộ tiếp tục xáo động, khó khăn chồng chất, lòng dân chưa yên… Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 196 về phê duyệt tổng thể di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, trong đó có TX. Mường Lay.

Tháng 3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP, trong đó: “Điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập xã Lay Nưa (thuộc huyện Mường Lay) vào thị xã để mở rộng TX. Lai Châu và chính thức đổi tên thành TX. Mường Lay. Trong một quá trình dài, với những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi nhưng địa danh: Châu Lai - thị trấn Mường Lay - thị trấn Lai Châu - TX. Lai Châu - TX. Mường Lay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Điều này đáp ứng niềm mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt của nhân dân thị xã, với quyết tâm được gắn bó, xây dựng, phát triển tại mảnh đất linh thiêng nơi ngã ba sông.

Từ năm 2006 - 2016, thị xã bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức nhưng cũng là thời cơ mới: “Thực hiện công cuộc di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La - xây dựng tái thiết đô thị mới”. Đây cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng: Vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; vừa thực hiện di dân tái định cư - tái thiết đô thị. Việc di dân tái định cư phục vụ dự án Thủy điện Sơn La được Đảng bộ, chính quyền thị xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là thời cơ để quy hoạch, phát triển và xây dựng thị xã. Từ đó tập trung lãnh đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và quyết tâm phấn đấu thực hiện.

Vòng xòe đoàn kết trong Lễ hội đua thuyền đuôi én Thị xã Mường Lay được tổ chức mỗi dịp đầu xuân. Ảnh: Trần Nhâm

Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Kết quả, đã di dời tái định cư cho 4.343 hộ, gồm: Tái định cư tạm thời đến tái định cư chính thức; tái định cư tại chỗ, tái định cư ngoài vùng, tái định cư tự nguyện; tái định cư cả một đô thị… Hoàn thành quy hoạch 5/5 khu điểm tái định cư; phê duyệt 1.053 phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, với số vốn được duyệt hàng nghìn tỷ đồng. Hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu đảm bảo phục vụ ổn định đời sống nhân dân.

“Ý đảng hợp với lòng dân”, thành công lớn nhất trong di dời tái định cư tại TX. Mường Lay là việc di chuyển hàng nghìn hộ dân nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng cưỡng chế; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Có thể nói, đến giai đoạn này, thị xã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ mang bóng dáng của một đô thị hiện đại. Từ đây, đời sống nhân dân ngày càng ổn định và nâng lên. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn kết, quyết tâm cùng xây dựng, phát triển thị xã. Đến nay, trở lại Mường Lay, nhiều người phải ngỡ ngàng trước diện mạo mới của một thị xã vùng sông nước. Những nếp nhà sàn san sát, nằm gối nhau bên những con đường thảm nhựa của các khu tái định cư. Vùng lòng hồ nên thơ, trữ tình gắn với 2 mùa nước lên - xuống, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa thu hút du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị. Năm 2022, thị xã Mường Lay có xã Lay Nưa - xã đầu tiên của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 4 bản được công nhận là thôn, bản kiểu mẫu.

Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã có quyền tự hào về những nỗ lực vượt khó. Càng khó khăn, Mường Lay càng vươn lên phát triển, khẳng định dấu ấn về một vùng đất giàu truyền thống, văn hóa, tinh thần đoàn kết và nghị lực của những con người một lòng dựng xây quê hương giàu đẹp.

Ngôn Ngọc Khuê (Bí thư Thị ủy Mường Lay)

Bình luận

Tin khác

Back To Top