Cần cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

13:40 - Thứ Sáu, 22/12/2023 Lượt xem: 5404 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (22/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô chủ trì hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Nhiều ý kiến tham gia tại hội nghị, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam để vừa gìn giữ bản sắc văn hóa  vừa quảng bá, khai thác, phát triển văn hóa.

Giai đoạn 2018 - 2022, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Năm 2022 thống kê có hơn 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động bình quân 5 năm tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã phát biểu đánh giá, chia sẻ về kết quả đạt được; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển công nghiệp văn hóa. Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa. Khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí). Về các nhiệm vụ cụ thể, các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top