Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ tư

10:11 - Thứ Ba, 26/12/2023 Lượt xem: 4576 In bài viết

Chiều 25-12, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ tư với chủ đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương” đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự HNCC Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác Mekong – Lan Thương trong ba năm qua và thảo luận phương hướng cho giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của MLC đối với hòa bình, hợp tác và phát triển tại tiểu vùng Mê Công và khu vực, đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình, thịnh vượng giữa các nước Mê Công – Lan Thương.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả quan trọng sáu nước đã đạt được kể từ Hội nghị cấp cao MLC lần thứ ba (8-2020). Trong ba năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng sáu nước vẫn triển khai tích cực và hiệu quả Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 – 2022, nhất là trong năm lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo).

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh hợp tác nguồn nước, môi trường có nhiều bước tiến, đặc biệt trong chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Mekong – Lan Thương, thực hiện các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng, chống thiên tai. Hàng loạt chương trình, hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục đào tạo, quảng bá du lịch đã được tổ chức thành công, góp phần củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân sáu nước. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ đặc biệt Mekong – Lan Thương, mang lại những kết quả thiết thực cho người dân.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh phương châm ưu tiên phát triển, lấy người dân làm trung tâm, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển. Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện có, các nhà lãnh đạo nhất trí nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới, thúc đẩy hợp tác theo hướng chất lượng cao, hiện đại hóa, tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng, hỗ trợ các nước phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong – Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong – Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về chuyển đổi số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và kết nối thông minh; chuyển đổi năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước. Các nhà Lãnh đạo cũng ủng hộ nỗ lực tăng cường phối hợp, bổ trợ hài hòa giữa MLC với ASEAN, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng như các cơ chế hợp tác, sáng kiến liên kết tiểu vùng và khu vực khác.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong – Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong – Lan Thương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác Mekong – Lan Thương đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng. Qua bảy năm hình thành và phát triển, MLC đã đạt được những thành tựu nổi bật với ba nét lớn là:

Cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện hơn; nội dung ngày càng thực chất hơn; tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân sáu nước ngày càng sâu sắc hơn.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong – Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng cho rằng, trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới, để sáu nước Mekong – Lan Thương vươn lên mạnh mẽ, cần một tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và những giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá. Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới gồm:

Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả sáu quốc gia; coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng các nền kinh tế Mekong – Lan Thương độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Theo đó, hợp tác Mekong – Lan Thương cần: (i) Đưa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm hợp tác, trong đó tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; (ii) Đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua hợp tác về hạ tầng số, nhân lực số, an ninh số và kinh tế số; (iii) Khuyến khích sự tham gia của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; (iv) Hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc, nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030, Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong – Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.

Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, sáu nước cần ưu tiên đầu tư cho phát triển con người, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế bao trùm, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại, tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Thứ ba, xây dựng khu vực Mekong – Lan Thương hòa bình và hợp tác. Sáu nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương; tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong – Lan Thương với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan tỏa lợi ích. Khẳng định ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN 2024. Đồng thời, cần ưu tiên hơn hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ.

Các đánh giá và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Hội nghị đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của Hội nghị./.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top