Vấn đề kỳ này

Xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ

07:38 - Thứ Năm, 01/08/2024 Lượt xem: 2873 In bài viết

ĐBP -Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên đứng ở vị trí số 31, tăng 31 bậc so với năm 2022.

Từ nhóm “bét bảng” chỉ số PCI của năm trước, nhảy lên vị trí 31 là một bước tiến phi thường. Điều này cho thấy, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế của Điện Biên đã được cải thiện mạnh mẽ. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Điện Biên làm ăn, khai thác tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội…

Được biết, ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số PCI năm 2022 tụt xuống nhóm cuối bảng, tỉnh Điện Biên nhận thức sâu sắc phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích chuyên sâu về kết quả PCI năm 2022, làm rõ những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, ban hành chương trình hành động với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cải thiện các điểm chỉ số thành phần thấp. Trong quá trình triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đánh giá việc thực hiện của các cấp, các ngành. Ngoài ra, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng cải thiện kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế pháp lý để tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Tỉnh áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thu hút, mời gọi đầu tư và sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để đồng hành cùng các doanh nghiệp. Cùng với đó là cải thiện các chỉ số thấp điểm. Ví như, Chỉ số chi phí thời gian. Do không có lợi thế bằng các địa phương khác, vì xa trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn, do vậy tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục trong thời gian ngắn nhất, từ đó tạo sức hút “níu” nhà đầu tư đến rồi ở lại với tỉnh.

Đối với chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, Điện Biên đã tăng cường hơn tính minh bạch, công khai trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp và người dân.

Vị trí PCI càng cao thể hiện năng lực vượt trội trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng công khai, minh bạch; môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, gần gũi; doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng vào bộ máy chính quyền Nhà nước tại địa phương. Nâng cao chỉ số PCI là yêu cầu bắt buộc của tỉnh, do vậy mục tiêu mà tỉnh Điện Biên đề ra là tiếp tục cải thiện chất lượng, tăng điểm các chỉ số thành phần, đưa vị trí xếp hạng PCI của tỉnh năm 2024 xếp vào nhóm Khá của cả nước. 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện ba đột phá phát triển, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điện Biên đã công bố quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định phát triển nhanh, vững chắc gắn với bản sắc và giá trị lịch sử.

Quyết tâm của tỉnh là tập trung rà soát, tổng hợp, tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Cùng với đó, phối hợp, nghiên cứu, rà soát, tham mưu kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện TTHC. Một mặt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để nâng cao chất lượng quy định TTHC và hiệu quả giải quyết TTHC; Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững...

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top