Nhịp cầu nối cấp ủy, chính quyền với nhân dân

08:46 - Thứ Sáu, 20/09/2024 Lượt xem: 3297 In bài viết

ĐBP - Bằng uy tín, sự am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn toàn tỉnh đã thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Để người dân tin, nghe theo, những người có uy tín luôn phải tiên phong “đi đầu, làm trước” trong phát triển kinh tế, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, tuyên truyền, vận động người dân, góp phần không nhỏ xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở. 

Người có uy tín trên địa bàn huyện Mường Nhé luôn đi đầu trong phát triển kinh tế.

Đến nay, huyện Mường Nhé đã tổ chức rà soát, bầu chọn và công nhận 116 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhìn chung, đội ngũ người uy tín đã được công nhận đều có thái độ, lập trường tư tưởng tốt, gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Ông Hù Chà Thái, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé là một trong những điển hình tiêu biểu đó. Bản thân ông Hù Chà Thái luôn tích cực lao động sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ dân trong bản trao đổi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi hiệu quả như: Giống ngô, giống lúa mới cho năng suất cao, bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả, phát triển cây công nghiệp, cây lấy gỗ... phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững. Đến nay, ông Thái có cơ ngơi là mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản với thu nhập 150 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, ông Thái còn là tấm gương sáng trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Hù Chà Thái tâm sự: Tôi luôn cố gắng nêu gương, đi đầu trong các hoạt động, như: Vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ hội; xóa bỏ hủ tục, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc. Đặc biệt là tuyên truyền các chính sách đồng bào được thụ hưởng; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình; tham gia đóng góp tiền, hiến đất; vận động con cháu trong dòng tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Lò Phạ Dèn (áo đen) - người có uy tín bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tuyên truyền vận động người dân giữ vững biên cương Tổ quốc. Trong ảnh: Ông Lò Phạ Dèn giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình.

Còn tại huyện Điện Biên, thời gian qua, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tiếp tục nêu gương sáng, là nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua. Đồng thời bản thân họ cũng phát huy tinh thần tự lực, vượt khó trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, họ luôn được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng và tin tưởng. Ông Vì Văn Lâm - người có uy tín tại bản Cà Phê, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cũng là một người như thế. Với vai trò của mình, ông luôn phát huy tinh thần trách nhiệm vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế. Đặc biệt, với phương châm muốn bà con đồng thuận, tin theo, trước tiên bản thân và gia đình phải tiên phong đi đầu. Do vậy, ông luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình kinh tế của ông là minh chứng rõ nét nhất. Hơn 2ha vườn, trước kia gia đình ông trồng ngô nếp, tuy nhiên, nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng ngô không cao, năm 2013 ông Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha sang trồng cây ăn quả. Với các loại cây như: Táo, bưởi, thanh long… đến năm 2022, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm bí xanh. Mô hình kinh tế này đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng mỗi năm. Thấy ông Lâm làm mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong bản cũng học theo.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, năm 2024 toàn tỉnh công nhận 1.251 người có uy tín, tăng 7 người so với năm 2023. Đội ngũ này có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau như: Già làng 287 người; trưởng dòng họ 125 người; trưởng thôn, bản và tương đương 134 người; chức sắc tôn giáo 13 người; thầy mo, thầy cúng, thầy lang 16 người; đảng viên 482 người; thành phần khác 488 người… Đây là những người “đi đầu, làm trước” để bà con nhìn thấy thành quả, tin tưởng rồi làm theo.

Người có uy tín bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà tuyên truyền vận động người dân trong bản chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Ông Vũ Văn Công, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những người có uy tín đều có điểm chung là sự gương mẫu, nhiệt tình, tận tụy với công việc chung của cộng đồng. Họ là những người “nói được, làm được” nên trong công tác tuyên truyền vận động rất có trọng lượng, có sức thuyết phục, tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương… Nhờ có sự đóng góp tích cực của đội ngũ này mà trong thời gian qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đều nhận được sự đồng thuận cao, mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh.

Người có uy tín của TX. Mường Lay về dự Đại hội Dân tộc thiểu số TX. Mường Lay lần thứ IV, năm 2024.

Đầu tiên, họ là những tấm gương điển hình trong tuyên truyền, vận động người dân các tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở... Tiếng nói của họ trong tuyên truyền, vận động đã giúp bà con nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không mơ hồ, chủ quan; nâng cao tinh thần cảnh giác. Còn trong lĩnh vực kinh tế, đội ngũ này đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia xóa đói giảm nghèo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Đối với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vai trò này càng được biểu hiện rõ trên thực tế, cụ thể: Vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực từ người dân để xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng như trường, lớp học, nhà văn hóa, các công trình kênh mương, đập thủy lợi, sửa chữa nâng cấp đường giao thông liên thôn, liên xã... Người uy tín luôn phát huy được vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của địa phương, cụ thể trong quy ước, hương ước thôn, bản, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; loại bỏ các hủ tục, tích cực cùng người dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động vượt biên trái phép… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tự giác chấp hành và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top