Kinh tếĐầu tư

Tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

14:13 - Thứ Ba, 06/08/2024 Lượt xem: 5148 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cùng với nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu, vùng kinh tế, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi. Từ đó, các nhà đầu tư tin tưởng, dành nhiều sự quan tâm, nghiên cứu, đầu tư dự án thuộc nhiều lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên làm việc với UBND huyện Tuần Giáo để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời, linh hoạt các sở, ngành, địa phương nắm bắt vướng mắc, tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chương trình hành động, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Những tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận 21 kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 10 kiến nghị đã được tháo gỡ, giải quyết và 11 kiến nghị đã có ý kiến trả lời và đang tiếp tục giải quyết.

Ngày 22/5/2024, tại địa bàn bản Pá Sáng, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên), Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tổ chức Lễ động thổ xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên tại Điện Biên. Nhà máy có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000 tấn/năm (lò sấy 2 tấn/giờ); đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ vườn cây cao su trong tỉnh. Đồng thời, góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty; tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

 Ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Triển khai thực hiện dự án, Công ty luôn nhận được sự ủng hộ tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương. Tỉnh Điện Biên đã tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy... Doanh nghiệp cũng được hưởng các chính sách về thuế phí và một số chính sách về thu hút đầu tư khác. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư; tháng 3/2025 nhà máy tiến hành chạy thử và đến tháng 6/2025 chính thức đi vào hoạt động. Thời gian tới, công ty mong muốn UBND tỉnh phê duyệt việc hỗ trợ các công trình điện, nước và đường vào nhà máy.

Đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cạo mủ cao su.

Tương tự, Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Điện Biên được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư ngày 15/3/2024. Dự án được xây dựng tại thôn Tân Ngam (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên). Nhà máy có quy mô 28,7ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 283 tỷ đồng, công suất sản xuất 200 tấn tinh bột/ngày; 50 tấn bã sắn/ngày đêm; sử dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền khép kín, tự động của các nước châu Âu.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Điện Biên, quá trình đầu tư dự án, doanh nghiệp rất mong muốn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất. Các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính và các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy. Đồng thời, tỉnh cần có kế hoạch, quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng sắn nguyên liệu; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống sắn có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đáp ứng được nhu cầu.

Các tổ chức tín dụng luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận vốn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng luôn tạo mọi điều kiện ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn.

Tính đến 30/4, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 20.304 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 6.566 tỷ đồng, chiếm 32,34%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 13.738 tỷ đồng, chiếm 67,66%/tổng dư nợ. Đơn cử như, từ đầu năm 2024, Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, như: Chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 180.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp sử dụng vốn. Tính đến 30/4, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt gần 6 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp 2.150 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,5%/tổng dư nợ.

UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, VietinBank Chi nhánh tỉnh Điện Biên triển khai sản phẩm tài chính dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, đặc biệt là các sản phẩm bảo lãnh. Thông qua đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện được ứng trước nguồn vốn của chủ đầu tư để thi công các công trình trên cơ sở hợp đồng thi công đã ký kết. Trong năm 2023, VietinBank Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã phát hành 647 cam kết bảo lãnh với doanh số phát hành 414 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2024, ngân hàng phát hành 274 cam kết bảo lãnh với doanh số 142 tỷ đồng, trong đó có 26 bảo lãnh tạm ứng với số tiền 90 tỷ đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các phương án thi công.

Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư vào cuối tháng 5/2024, trao đổi với các nhà đầu tư về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp đột pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành về tầm quan trọng và ưu tiên tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Xây dựng và phát triển chính quyền số; đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư; kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top