Tìm về dấu xưa Huyền Trân công chúa

09:19 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 5301 In bài viết

Hữu duyên, chúng tôi được về chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) trong một buổi chiều tĩnh mịch, ngay trước lễ kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân của Huyền Trân công chúa. Chùa Hổ Sơn nay đã được tôn tạo bề thế nhưng vẫn còn đó dấu xưa của ngôi chùa cổ đã 700 năm, nơi lưu giữ những dấu tích về cuộc đời của Huyền Trân công chúa.

Dấu xưa công chúa

Chùa Hổ Sơn vừa tổ chức thành công Đại lễ Phật đản và kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân Thần mẫu Trần triều Huyền Trân công chúa (diễn ra từ ngày 15 đến 21-5). Được biết, hơn 10.000 tín đồ Phật tử, nhân dân thập phương đã tới thăm viếng chùa trong dịp này. Không chỉ được chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính bên sườn núi Hổ, du khách còn có cơ hội hiểu hơn về công lao của Thần mẫu Huyền Trân công chúa thông qua những câu chuyện lịch sử mang hào khí Đông A.

Theo tư liệu ghi tại chùa, công chúa Huyền Trân (sinh năm 1287, tạ thế năm 1340) là con gái đức vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân, khi còn ở cương vị Thái tử, đã tỏ rõ tài năng qua phối hợp với Đại Việt đánh tan đội quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt và Chiêm Thành vào năm 1282. Năm 1301, Chế Mân mời Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang thăm Chiêm Quốc. Mến mộ tài năng của Thái Thượng hoàng, vua Chế Mân muốn cầu hôn con gái người để kết tình bang giao hai nước.

Tháng 6-1306, vua Chế Mân đã dâng châu Ô và châu Lý, tức từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay, cho nước Đại Việt làm sính lễ để rước công chúa Huyền Trân về làm Chính cung và phong Vương hậu với tước hiệu là Paramecvari. Với lòng yêu nước thương dân, vâng lời vua cha, công chúa Huyền Trân đã lên kiệu hoa về Chiêm Thành. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 1 năm thì vua Chế Mân đột ngột qua đời.

Năm 1308, công chúa Huyền Trân được đoàn tùy giá đưa về Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin vua cha cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Đến năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ lập am thờ Phật. Thời điểm đó, ở làng Tiền, xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có công chúa Thụy Bảo là cô ruột của công chúa Huyền Trân cũng đang tu hành. Hai người đã cùng nhau tu hành, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bệnh, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng. Khi bà mất đi, dân chúng quanh vùng thương tiếc tôn bà là Thần Mẫu, lập đền thờ bà. Hằng năm vào ngày 9-4 Âm lịch là ngày kỵ của công chúa Huyền Trân, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà.

Hiện chùa Hổ Sơn vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Ngày 27-9-2006, chùa Hổ Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Một vùng du lịch tâm linh hấp dẫn

Hiện nay, khu di tích Hổ Sơn đã được đầu tư tôn tạo và mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 13ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Đi vào cổng bên trái, qua vài chục bậc thang lát đá là 2 dãy tượng 18 vị la hán theo nguyên mẫu ở chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội). Nằm chính giữa cổng là ngôi Tam bảo khang trang; bên phải là đền thờ Huyền Trân công chúa. Cả chùa và đền đều được tôn tạo theo kiến trúc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”.

Từ chùa và đền, du khách có thể ngắm toàn cảnh khuôn viên với bảo tháp 13 tầng, cao 26m, tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam và nhất là Bảo tàng Huyền Trân công chúa có hình dáng mô phỏng chiếc thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sapphire nguyên khối, cao 5,1m, tượng trưng cho 51 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông thị hiện...

Cùng với quần thể Phủ Dày nổi tiếng, chùa Hổ Sơn được xác định là một trong những di tích tâm linh quan trọng của huyện Vụ Bản để phát triển du lịch tâm linh. Theo ông Nguyễn Khắc Xung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, với 173 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh (thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái); đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); đền Đông (xã Thành Lợi); đền, chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng)... huyện Vụ Bản có nhiều lợi thế và đang đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh.

Ông Trần Minh Hoan, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cũng nhận định: Là vùng đất “Thiên Bản lục kỳ” (vùng đất Vụ Bản có 6 chuyện kỳ lạ - PV), huyện Vụ Bản có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay có trên 800 hạng mục của hơn 170 di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Để thúc đẩy du lịch địa phương, huyện đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; lập quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện; kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa trong phát triển du lịch địa phương...

Nếu được kết nối với các công trình tín ngưỡng khác trong và ngoài huyện, kết nối với tuyến du lịch tâm linh nổi tiếng của các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, chắc chắn chùa Hổ Sơn sẽ là một điểm đến được du khách yêu thích, mang đến những cơ hội mới về phát triển du lịch cho vùng đất thiêng Vụ Bản.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top