Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023: Cần lưu ý những điểm mới

09:37 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 7011 In bài viết

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ diễn ra vào hai ngày 29 và 30-6 với khoảng 1 triệu thí sinh. Dù là kỳ thi thường niên, song với thí sinh, kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng khi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn sử dụng để đăng ký xét tuyển vào nhiều cơ sở đào tạo đại học. Vì vậy, việc ghi nhớ quy chế, nhất là những điểm mới áp dụng từ năm nay rất quan trọng đối với thí sinh để bảo đảm không xảy ra sơ suất làm ảnh hưởng đến công sức học tập.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang

Loại bỏ cơ hội gian lận

Ngày 24-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều điểm mới nhằm tăng cường kỷ luật, loại bỏ các cơ hội có thể xảy ra gian lận. 

Một trong những quy định quan trọng mà thí sinh cần ghi nhớ là danh sách các vật dụng được phép mang vào phòng thi. Nếu như các năm trước, thí sinh được mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”, thì từ kỳ thi năm nay, thí sinh không được mang theo các loại máy này.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho rằng, quy định cấm mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi giúp cán bộ coi thi tập trung hơn, không mất nhiều thời gian xem xét, phân biệt thiết bị đó có những chức năng được phép mang vào phòng thi hay không. Với một số thí sinh, các em sẽ không có cơ hội gian lận thông qua các thiết bị này, từ đó tập trung học tập ngay từ bây giờ.

Điểm mới nữa mà thí sinh cần nhớ là có thể đăng ký dự thi trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường - nơi học lớp 12. Em Nguyễn Khánh An, học sinh Trường Trung học phổ thông nội trú (huyện Ba Vì) bày tỏ: "Em thấy hình thức đăng ký trực tuyến nhanh và chính xác hơn, đơn cử như khi điền thông tin mã huyện, tỉnh, học sinh không phải tra cứu mà chỉ cần chọn trên hệ thống, có thể tự chỉnh sửa thông tin nên tránh được sai sót. Nếu chẳng may hệ thống trục trặc, mạng internet chập chờn, chúng em cũng bớt lo lắng bởi có phương án dự phòng là có thể khai hồ sơ giấy để nộp trực tiếp".

Nâng cao ý thức tự giác

Thời điểm này, các trường học trên địa bàn Thủ đô đều tăng tốc triển khai kế hoạch ôn tập, hỗ trợ học sinh bằng nhiều hình thức để giúp các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Với hơn 50% số học sinh là người dân tộc, trong đó không ít học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ. Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng cho biết, nhà trường đã bố trí phòng máy tính có kết nối mạng internet, phân công cán bộ, giáo viên hỗ trợ học sinh. Trường cũng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm tăng cường phổ biến quy chế, đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới và các hình thức xử lý nếu học sinh vi phạm quy chế để nâng cao ý thức tự giác trong học tập và tuân thủ nội quy khi dự thi.

Trường Trung học phổ thông Hoàng Long (quận Ba Đình) chia nhóm học sinh để tổ chức ôn tập nhằm bảo đảm hiệu quả và không gây áp lực. Ảnh: Minh Khang

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Long (quận Ba Đình) Đào Thu Trang chia sẻ, nhà trường đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp 100% và 80% trúng tuyển đại học nguyện vọng 1 như 5 năm gần đây. Mỗi tháng nhà trường tổ chức thi thử 1 lần để xác định mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng của từng học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp và chia nhóm ôn tập sát với năng lực. Đây cũng là dịp để nhà trường rèn học sinh ý thức tuân thủ quy chế thi với yêu cầu tuyệt đối không vi phạm. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực với học sinh, các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp với chuyên viên của bộ phận tư vấn hướng nghiệp xây dựng kế hoạch ôn tập riêng cho từng học sinh và bám sát kết quả của học sinh ở từng chặng để kịp thời có biện pháp hỗ trợ.

Em Nguyễn Hải Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Bên cạnh việc hướng dẫn về kỹ năng làm bài để tận dụng thời gian hiệu quả, chúng em được các thầy, cô giáo lưu ý về các vật dụng mang vào phòng thi, trong đó có điện thoại bởi nếu mang theo các thiết bị trái phép vào phòng thi, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi, đồng nghĩa với việc bị hủy kết quả thi. Em mong kỳ thi sẽ được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm công bằng để tất cả thí sinh đều phải tập trung học thực chất và thi thực chất, không trông chờ, ỷ lại vào bất kỳ sự may mắn nào".

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Lê Hồng Vũ cho biết, nhằm giúp học sinh tập dượt với các quy định mới áp dụng từ năm 2023, trong hai ngày (7 và 8-4), Sở tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố với các bài thi, môn thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Có khoảng hơn 90.000 học sinh sẽ tham dự. Kết quả khảo sát không chỉ có ý nghĩa với từng học sinh, từng nhà trường, mà còn là cơ sở để lãnh đạo ngành nắm được “bức tranh” tổng thể về chất lượng dạy, học, từ đó kịp thời có các giải pháp chỉ đạo hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất trong thời gian còn lại của năm học.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top