Nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên – Bài toán chưa có đáp án (bài 2)

14:51 - Thứ Hai, 29/05/2023 Lượt xem: 7261 In bài viết

Bài 2: Nhiều nguyên nhân “chảy máu” nhân lực

ĐBP - Mới đây, trường hợp một cô giáo vùng cao Hà Giang không may rơi xuống vực, tử vong trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ để lại bao xót xa, thương tiếc. Ở Điện Biên – tỉnh ta cũng đã từng xảy ra vụ việc thương tâm như thế. Làm công tác giáo dục ở vùng cao thực sự khó khăn, vất vả và cả những nguy hiểm...

Bài 1: Giáo viên rời núi

Đường đến với học trò muôn vàn khó khăn, đã trở thành quen thuộc trong suốt những năm tháng công tác của giáo viên vùng cao.

“Dư thừa” khó khăn

Dù những năm gần đây, tỉnh ta được đầu tư nhiều về mọi mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng ở vùng cao. Thế nhưng trên địa bàn vẫn còn nhiều xã, bản đặc biệt khó khăn, đường sá xa xôi, hiểm trở, thậm chí biệt lập, nhất là vào mùa mưa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cùng với đó là nhiều điểm trường cách xa trung tâm, không điện, không sóng điện thoại...

Trường Mầm non Mường Lói (huyện Điện Biên) đứng chân trên một trong những địa bàn khó khăn, hiểm trở bậc nhất của tỉnh. Các nữ giáo viên mầm non ở đây phải đối mặt với muôn nỗi gian nan. Trường có 1 điểm trung tâm và 7 điểm bản, hầu hết phòng lớp học ở điểm bản chưa được kiên cố hóa. 6/7 điểm bản rất khó khăn khi chưa có điện, sóng điện thoại. Đường sá hiểm trở, đèo cao, suối sâu, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã đến 40km. Các cô giáo mầm non phải làm quen với những cung đường chật hẹp, khúc khuỷu. Có những đoạn lòng suối chính là đường, dài hàng trăm mét, mùa cạn mà nước vẫn ngập già nửa bánh xe, mùa mưa thì cả tháng không ra được khỏi bản...

Còn vô vàn thiệt thòi khác mà giáo viên gặp phải. Tại huyện Mường Nhé, 5 xã khó khăn, đường sá đi lại cách trở nhất huyện nhưng cán bộ, giáo viên lại có thu nhập thấp hơn các xã còn lại. Đó là các xã: Pá Mỳ, Huổi Lếch, Mường Toong, Nậm Vì, Quảng Lâm. Trong đó đường đi Pá Mỳ, Huổi Lếch vẫn là cấp phối. Bởi lẽ tại đây không có phụ cấp khu vực biên giới. Tiền lương của thầy cô công tác tại vùng khó khăn này chênh lệch không đáng mấy so với các khu vực thuận lợi như TP. Điện Biên Phủ, các tỉnh miền xuôi. Vì thế nên đây là những xã có số cán bộ, giáo viên nghỉ việc, xin chuyển vùng nhiều nhất huyện.

Trường Mầm non Huổi Lếch hiện có 18 giáo viên đứng lớp thì có đến 10 người thuộc diện hợp đồng, thu nhập chỉ trên 6 triệu đồng/tháng, giáo viên biên chế lương trung bình 8 - 9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, trường có hơn 400 học sinh, với 10 điểm trường. Năm học này, trường tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết, nằm cách trung tâm xã tới 40km, giao thông hoàn toàn là đường đất xuyên rừng, ngược núi. Giáo viên mỗi lần lên bản gần như mất liên lạc do không có sóng điện thoại, nước sạch, điện thắp sáng…

Cô Bùi Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ: “Điểm bản cheo leo, đường đi hết sức nguy hiểm, mỗi lần các cô vào điểm bản là cả trường lo nơm nớp. Khi phân công nhiệm vụ lên điểm bản này, chúng tôi trăn trở rất nhiều. Bởi hoàn toàn là trên tinh thần tự nguyện, tình yêu với nghề, chứ chế độ đãi ngộ thì không có gì khác, đồng lương eo hẹp, nhất là các cô giáo diện hợp đồng”.

Giáo viên điểm trường bản Cây Sặt, Trường Mầm non Huổi Lếch vừa giảng dạy, chăm sóc học sinh, vừa tự tay chuẩn bị đồ ăn trưa cho các con.

Cũng bằng nhiệt huyết nghề “gieo chữ”, các thầy cô giáo vùng cao không chỉ làm tốt trách nhiệm giảng dạy mà còn kiêm nhiệm vô số công việc, nấu ăn, quán xuyến, săn sóc học sinh như người cha, người mẹ thực sự. Nhiều việc làm thầy cô không chỉ không có chế độ, phụ cấp mà còn tự bỏ công sức, tiền túi ra lo cho học sinh.

Tại trường THCS Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, thầy Phạm Xuân Tân, Hiệu trưởng chia sẻ: “Hàng năm trường có trên 500 học sinh, trong đó khoảng 30% học sinh nhà xa, đi lại không thuận tiện phải ở bán trú. Thầy cô Nhà trường phải kiêm nhiệm quản lý, quan tâm việc ăn ở, vệ sinh, sức khỏe của học sinh, lắng nghe các tâm tư, giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy nhiên số học sinh này không đủ điều kiện để thành lập trường bán trú theo quy định, nên cán bộ, giáo viên làm công tác này trên tinh thần hết mình vì học sinh, chứ không có bất kì chế độ chính sách gì”.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Những khó khăn trên chỉ là số ít trong rất nhiều nguyên nhân tác động đến quyết định nghỉ việc, chuyển vùng của giáo viên trên địa bàn. Trước thực trạng đáng “báo động”, từ cuối năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc rà soát, thảo luận, đánh giá đồng bộ để tìm cách tháo gỡ. Trong đó có phân tích, làm rõ 6 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn chỉ ra: Có nhiều nguyên nhân liên quan trực tiếp đến đời sống giáo viên. Đó là chế độ tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; một bộ phận thầy cô ở miền xuôi lên công tác, ít có điều kiện về thăm gia đình do đường sá cách trở, kinh phí không đủ trang trải. Tỉnh cũng chưa có điều kiện để ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đời sống cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong khi đó, nhu cầu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học) ở các thành phố lớn, các tỉnh miền xuôi ngày càng cao. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khách quan từ việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 đòi hỏi trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS đạt chuẩn đại học trở lên; chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW khiến số người làm việc không đủ theo định mức của ngành, dẫn đến giáo viên phải làm việc với cường độ cao.

Huyện Mường Nhé xa xôi là địa bàn có nhiều giáo viên ngoại tỉnh nhất, luôn thường trực nỗi lo trên. “Là huyện biên giới vùng sâu, vùng xa được thành lập năm 2002, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các đơn vị trường đa số tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ và hầu hết từ các tỉnh miền xuôi lên công tác. Nhiều thầy cô có gia đình đang sinh sống ở quê nên sau nhiều năm cống hiến tại địa bàn thì có nguyện vọng muốn chuyển công tác về để thuận tiện chăm sóc cha mẹ và gia đình” – ông Phạm Thiết Chùy, Trường phòng GD&ĐT huyện chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông có nguyện vọng chuyển công tác về gần nhà sau 18 năm cống hiến ở vùng cao.

Điều này được thấy rõ qua từng trường. Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn có gần 60% giáo viên là người ngoại tỉnh, trung bình mỗi năm có 1 - 2 giáo viên xin chuyển công tác về quê. Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch cũng có trên 50% giáo viên là người tỉnh khác, còn lại là người trong tỉnh nhưng đều ở huyện ngoài...

Và ở những địa bàn khác, những lá đơn xin nghỉ việc, chuyển vùng vẫn cứ lặng lẽ gửi lên cơ quan quản lý. Mới đây, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cho biết: “Năm 2023 này, phòng đã tiếp nhận, chuyển để làm các thủ tục chuyển vùng cho hơn 20 trường hợp cán bộ, giáo viên. Mỗi lần nhận đơn, chúng tôi đều rất tiếc nuối và trăn trở. Song vì những câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau của thầy, cô mà không còn cách nào khác ngoài việc tạo điều kiện giải quyết theo nguyện vọng cho họ”. Với tình hình này năm học tới, Điện Biên Đông sẽ thiếu thêm nhiều vị trí giáo viên. Chỉ tính riêng các môn chuyên biệt gắn với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới dự báo thiếu 15 - 16 giáo viên.

Với những thực tế này, ngành GD&ĐT tỉnh cùng các cơ sở giáo dục đã có giải pháp gì, xoay xở như thế nào để tránh xáo trộn việc dạy và học, bù lấp khoảng trống ấy?

Thống kê năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Điện Biên thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, các môn chuyên biệt thiếu 211 người. Dự báo năm học 2023 - 2024, theo định mức số lượng người làm việc toàn ngành thiếu 2.206 giáo viên.

Bài 3: Không để gián đoạn việc học

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top