Đổi thay giáo dục vùng cao Nậm Pồ

10:00 - Thứ Sáu, 23/06/2023 Lượt xem: 6164 In bài viết

ĐBP - Là huyện non trẻ nhất của tỉnh với nhiều khó khăn, thiếu thốn khi mới thành lập, nhưng sau 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, các đơn vị Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nậm Pồ đã có những đổi thay rõ rệt. Từ một địa bàn thiếu phòng học kiên cố, có nhiều phòng học tạm bằng tranh, tre, nứa lá; thiếu phòng chức năng, các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh… Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất giáo dục của huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang giúp giáo viên và học sinh huyện Nậm Pồ yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng.

Những ngày đầu khi mới thành lập, cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Phần lớn các xã đều chưa có trường, lớp học riêng biệt; nhiều trường, lớp học đã xuống cấp, nhất là đối với cấp tiểu học và mầm non; trên 45% phòng lớp học là phòng tạm, mùa hè thì nắng nóng, mỗi khi mưa gió lại bị dột, lầy lội; mùa đông gió lùa lạnh giá; các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, học tập của giáo viên và học sinh. Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ chia sẻ: Thời điểm mới thành lập, toàn huyện có 38 trường nhưng chỉ có 8 trường đủ điều kiện cho học sinh ăn ở bán trú; trong tổng số 664 phòng học chỉ có 389 phòng kiên cố và bán kiên cố, còn lại là phòng học được làm bằng gỗ, tranh tre, nứa lá; trang thiết bị hết sức thiếu thốn, việc duy trì sĩ số học sinh gặp nhiều khó khăn, chỉ có 3/38 trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đứng cuối của tỉnh.

Trước thực trạng trên, để kịp thời khắc phục khó khăn, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học, huyện Nậm Pồ đã động viên ngành GD&ĐT nỗ lực đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, vừa chung sức lao động xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường lớp học, vận động học sinh ra lớp. Đặc biệt, cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng của Nhà nước, huyện đã tích cực kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh ủng hộ, đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng các điểm trường, xóa phòng học tạm, làm công trình phụ trợ cho các trường. Trong 10 năm qua, các đơn vị GD&ĐT huyện đã vận động hỗ trợ xây dựng được 106 phòng học, 27 phòng công vụ, nhà bếp, công trình phụ trợ cùng hàng nghìn suất quà với tổng trị giá trên 47 tỷ đồng. Nhờ vậy, huyện đã xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm, quy mô trường lớp học được mở rộng đáp ứng nhu cầu dạy học. Hiện toàn huyện có 42 trường thuộc 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trong đó 2 trường chưa đi vào hoạt động); tổng số phòng học 765 phòng; trong đó, 518 phòng kiên cố, 247 phòng bán kiên cố; 70 phòng học bộ môn, 554 phòng nội trú...

Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện, sạch sẽ, huyện Nậm Pồ đã phát động triển khai thực hiện nhiều phong trào thiết thực ủng hộ sự nghiệp GD&ĐT. Điển hình là phong trào “Đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học trên địa bàn huyện” được phát động triển khai từ tháng 2/2020. Sau khi phát động đã làm mới được 138 phòng vệ sinh với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng; vận động cán bộ, nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công để cải tạo, nâng cấp 163 phòng vệ sinh. Nhờ đó, tình trạng thiếu phòng vệ sinh tại các trường học trên địa bàn huyện đã được giải quyết. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học, tháng 8/2022 huyện đã triển khai thực hiện Chương trình “Nước cho em”. Đến đầu tháng 6/2023, huyện đã tiếp nhận số tiền hơn 530 triệu đồng cùng hiện vật ước trị giá hơn 181 triệu đồng để khoan 26 giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh các trường. Gần nhất, vào cuối năm 2022 vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” nhằm huy động nguồn lực cải thiện cơ sở vật chất trường lớp học, hỗ trợ học sinh trong học tập. Hình thức hỗ trợ bằng việc “nuôi lợn đất” để ủng hộ cho các trường vào dịp khai giảng năm học mới. Hiện số lợn đất đang nuôi là 960 con với sự tham gia của hơn 2.310 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên cùng sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức và nhân dân trên địa bàn, hệ thống cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã có sự đổi thay rõ nét. Trường lớp học đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố; trang thiết bị dạy và học đã được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu; cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp; học sinh có đầy đủ điều kiện ăn ngủ, nghỉ ngơi, học tập... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên rõ rệt, số trường đạt chuẩn quốc gia được nâng cao, toàn huyện có 29/42 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 69%), học sinh vui mừng, phấn khởi, yên tâm đến trường học tập.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top