Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?

09:24 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 3631 In bài viết

Cho rằng đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhiều thí sinh đã mạnh dạn chuyển hướng chọn các lối đi khác.

Việc không đăng kí xét tuyển đại học số lượng lớn như vậy đã thể hiện các em có định hướng rõ ràng hơn tương lai cho mình.

Đến thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 vào cuối ngày 30/7, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660.000 (tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT). 

Như vậy, gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT bỏ xét tuyển đại học, đồng nghĩa từ bỏ cơ hội vào đại học. 

Theo Bộ GD&ĐT, tỉ lệ nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm nay vẫn cao hơn năm ngoái. Năm 2022, tỉ lệ này là 64,07%, với 325.716 em không nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Chỉ khoảng hơn 660.000 trên tổng số gần 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào đại học là việc bình thường, khi các em có những tính toán, định hướng khác sau khi biết điểm thi.

Đại học không phải con đường duy nhất để các bạn trẻ có thể lập nghiệp

Theo các chuyên gia, lý do thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học là bởi nhiều bạn chọn con đường học nghề hoặc đi du học để phù hợp với định hướng bản thân, kinh tế gia đình.

GS. Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi nhiều bạn trẻ đã có những định hướng cho tương lai của chính mình.

Việc không đăng kí xét tuyển đại học số lượng lớn như vậy đã thể hiện các em có định hướng rõ ràng hơn tương lai cho mình, cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy tiết kiệm thời gian cũng như công sức của ngành giáo dục và toàn xã hội.

GS. Phạm Tất Dong cho hay, hiện nay nhu cầu của xã hội về thợ lành nghề rất cao, do đó nhiều em đã lựa chọn theo học các trường nghề, trường trung cấp dạy nghề.

Nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học, mà phù hợp với học nghề hơn, thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt, phù hợp với nhu cầu của xã hội

Ngoài ra, tỉ lệ học sinh không học đại học trong nước mà đi du học cũng khá cao.

Còn theo một chuyên gia giáo dục khác, con số 30% thí sinh từ chối xét tuyển cũng có thể là tình trạng ảo trong quá trình đăng kí xét tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh các trường sẽ dễ dàng hơn trong việc lọc ảo, đảm bảo được số lượng chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp nhiều thí sinh không nắm rõ các quy định tuyển sinh, dù số lượng này sẽ rất ít. Một số em vì đã có giấy báo trúng tuyển, nghĩ rằng đã chắc chắn đỗ nên không đăng ký.

Một lý do khác là quy chế của Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh phải nhập tất cả các nguyện vọng, bao gồm cả các nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ. Không loại trừ khả năng thí sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa còn lúng túng, không thực hiện đúng quy định này.

Bên cạnh đó, con số gần 300.000 thí sinh không đăng kí xét tuyển đại học có thể là nhóm thí sinh không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của các trường đại học.

Trước đó, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống là 642.270, năm 2021 số lượng là 794.739.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top