Bài 3: Lan tỏa các chương trình xã hội hóa giáo dục

17:15 - Thứ Ba, 05/09/2023 Lượt xem: 8683 In bài viết

ĐBP - Khi có sự chung tay, góp sức của mọi tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nhiều phần quà giá trị cho học sinh, trường học thì khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền sẽ được kéo gần lại. Và những học sinh vùng cao sẽ có môi trường học tập an toàn, đảm bảo chất lượng hơn. Từ ý nghĩa nhân văn đó, công tác xã hội hóa giáo dục đã nhận được sự quan tâm, chung tay của đông đảo các cá nhân, đơn vị, tổ chức và lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Bài 2: Chung tay vì sự nghiệp giáo dục 

Các nhà tài trợ, người nổi tiếng luôn đồng hành cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên kiên cố hóa trường lớp cho các em học sinh. Trong ảnh: Hoa hậu H'Hen Niê cùng với đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy Mường Nhé chụp ảnh lưu niệm tại buổi khánh thành Điểm trường Tá Miếu.

Đồng hành của những người nổi tiếng

Cách đây 2 năm, cơ sở vật chất tại Điểm trường Tá Miếu thuộc Trường Mầm non Sín Thầu; Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sín Thầu đã xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em ở đây. Nhờ có sự kêu gọi từ huyện Mường Nhé, Quỹ Hy vọng (Báo VnExpress) và các đơn vị đối tác đồng hành đã hỗ trợ xây dựng điểm trường kiên cố và khang trang. Tham gia chương trình còn có sự hưởng ứng tích cực của nhiều bạn trẻ, các cá nhân có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng tại Việt Nam, như: Hoa hậu H'Hen Niê, nhiếp ảnh gia - Travel Blogger Tâm Bùi để cùng mang đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Sau 2 tháng xây dựng, công trình có diện tích gần 230m2, gồm: 2 phòng học có nhà vệ sinh khép kín dành cho trường mầm non, 3 phòng học dành cho trường tiểu học, 1 nhà bếp, công trình vệ sinh riêng, sân bê tông đã hoàn thiện và khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 1 năm. Khi cơ sở vật chất được kiên cố hóa, khang trang, thầy và trò tại điểm trường yên tâm dạy và học, không phải vất vả, lo lắng trong những ngày mưa hay nắng. Cô giáo Lỳ Gò Mé, Trường Mầm non xã Sín Thầu chia sẻ: “Từ khi được đầu tư điểm trường mới, thầy cô, phụ huynh và học sinh ở bản rất vui mừng, phấn khởi. Từ nay không phải lo chạy mưa, che nắng trong mỗi giờ học, nhất là nhưng hôm thời tiết mưa gió, rét mướt nơi nga ba biên giới”.

Chắc hẳn, chúng ta cũng chưa thể quên MV “Nấu ăn cho em” là sự phối hợp giữa giọng hát trẻ trung của ca sĩ PiaLinh (Hương Linh) và phần rap trầm ấm của Đen Vâu. Hình ảnh cảm động về những học trò nghèo đến từ vùng cao tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sá Tổng (huyện Mường Chà) vượt qua khó khăn để đến trường học chính là nguồn cảm hứng để các ca sĩ, nghệ sĩ sáng tạo ra MV. Trong MV, rapper cùng bạn bè đến thăm các học sinh tại đây và tự tay chuẩn bị bữa cơm cho trẻ em vùng cao. Và điều đặc biệt là toàn bộ nguồn thu từ việc xem và nghe của MV “Nấu ăn cho em” sẽ được ekip dành ủng hộ, hỗ trợ cho các dự án xây trường và nuôi các em nhỏ ở vùng cao. Ý nghĩa và giá trị của của MV còn truyền đạt những thông điệp ấm áp và ý nghĩa tới người nghe, lan tỏa những hành động, việc làm tốt đẹp, góp phần giúp nhiều học trò nhỏ vùng cao được nhận nuôi, có những bữa cơm ngon và tiếp tục được đến trường.

Ngoài Hoa hậu H'Hen Niê, Đen Vâu, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, streamer, tiktoker và những người nổi tiếng… trong cả nước cũng quan tâm, sẻ chia với các em học sinh vùng khó. Thông qua tấm lòng hảo tâm ấy, nhiều món quà như: Gạo, bút, quần áo, chăn ấm… được gửi tặng, hỗ trợ giúp nhà trường và các em học sinh có thêm điều kiện dạy và học tốt hơn; đồng thời góp phần lan tỏa sự chung tay của toàn xã hội đối với giáo dục vùng khó như Điện Biên.

Thông qua sự kết nối của các cơ quan, đơn vị, nhiều phần quà, học bổng đã trao tận tay các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Lãnh đạo Báo Điện Biên Phủ trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông).

Phát huy tính nhân văn

Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội, phục vụ công tác phát triển sự nghiệp giáo dục. Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Điện Biên đã làm khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục và huy động được nhiều nguồn đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân để kiên cố hóa cơ sở vật chất trường lớp học, mua sắm trang thiết bị hoặc trao học bổng, phần quà, những bữa ăn cho học sinh nghèo.

Để sử dụng các nguồn xã hội hóa đúng mục đích, góp phần “tiếp sức” cho các trò nhỏ đến trường, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, các cấp lãnh đạo tỉnh Điện Biên và ngành Giáo dục đã quan tâm, chủ động, tích cực kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội tham gia ủng hộ, tài trợ nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo; đó là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện công tác xã hội hóa đảm bảo công khai, dân chủ, tự nguyện, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản thực hiện vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp nhận, quản lý, sử dụng, công khai các nguồn lực xã hội hóa theo đúng các quy định của pháp luật. Có như vậy mới giúp công tác xã hội hóa giáo dục trở thành một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng giúp các đơn vị trường học cải thiện cơ sở vật chất, thu hút học sinh tham gia học tập chuyên cần và dần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh về việc học hành của con em mình.

Nhằm vận động tài trợ kiên cố hóa cơ sở vật chất, nhà bán trú và nội trú cho các em học sinh, ngày 30/5/2023, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 2180/KH-UBND nhằm vận động, kêu gọi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để lan tỏa đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các tầng lớp Nhân dân ủng hộ Chương trình xây dựng phòng ở bán trú, nội trú cho học sinh trên địa bàn với mục tiêu vận động tài trợ xây dựng khoảng 500 phòng ở bán trú, nội trú… Để lan tỏa chương trình cũng như công tác xã hội hóa giáo dục rất cần có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh tích cực kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, các chương trình dự án.

Trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024, học sinh trên địa bàn huyện Nậm Pồ được hưởng niềm vui từ ngày hội “Mổ lợn tiết kiệm”. Đây là kết quả của Phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” do huyện Nậm Pồ phát động nhằm huy động sự tham gia hưởng ứng và ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn. Sau 10 tháng nuôi lợn đất tiết kiệm, đúng ngày khai giảng, toàn huyện đã tiến hành mổ 1.063 con lợn đất tiết kiệm và thu được hơn 1,3 tỷ đồng ủng hộ cho giáo dục. Số tiền đó giao cho Hội Khuyến học huyện và các đơn vị nhà trường thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng số tiền để động viên khích lệ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập. Đây thực sự là món quá thiết thực và trong ngày khai giảng năm học mới; qua đó tạo sức lan toả lớn trên địa bàn huyện Nậm Pồ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung về tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng xã hội.

Những việc làm cụ thể đó đã khẳng định công tác xã hội hóa giáo dục rất ý nghĩa trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó cũng là giải pháp để tăng thêm nguồn lực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top