Tư vấn, hướng nghiệp giúp học sinh cuối cấp định hướng tương lai

09:11 - Thứ Ba, 02/04/2024 Lượt xem: 7008 In bài viết

ĐBP - Năm học 2023 - 2024 không còn dài, những ngày này học sinh khối 12 vừa lo ôn luyện cho kỳ thi quan trọng, vừa mang nhiều tâm tư, băn khoăn về con đường tương lai - chọn hướng đi nào, ngành nghề gì. Để giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu xã hội, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tư vấn hướng nghiệp.

Việc tư vấn hướng nghiệp được Trường THPT huyện Điện Biên thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó lồng ghép vào các bài giảng, giờ sinh hoạt lớp...

Năm học 2023 - 2024, Trường THPT huyện Điện Biên có 331 học sinh lớp 12. Hàng năm, Trường có khoảng 70% học sinh sau tốt nghiệp theo học các trường chuyên nghiệp. Theo khảo sát của Trường năm nay, 196/331 học sinh có nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học bằng học bạ, ngoài ra nhiều em có ý định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Thầy Trần Đức Đạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp các em định hướng rõ ràng hơn, Trường thực hiện nhiều hình thức, như: Lồng ghép hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh, trọng tâm là khối lớp 12 trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp; thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai; liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề thực hiện tư vấn, hướng nghiệp...”.

Trong công tác tư vấn hướng nghiệp, Trường cũng luôn chú trọng vai trò của giáo viên chủ nhiệm, những người gần gũi thân thiết nhất với học trò; hiểu rõ lực học, thế mạnh, tâm tư, hoàn cảnh của các em để cho lời khuyên tốt nhất. Năm học này, cô Đỗ Ngọc Thúy, chủ nhiệm lớp 12C8 với 46 học sinh. Cô Thúy chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, trong các hoạt động của lớp, giờ học, sinh hoạt lớp, tôi thường xuyên lồng ghép các thông tin, nội dung để các em hiểu về chính bản thân mình với điểm mạnh, điểm yếu, ước mơ là gì. Từ đó giúp các em xác định mục tiêu, kế hoạch, định hướng tương lai cho chính mình phù hợp với năng lực, nguyện vọng, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Nhiều em còn mơ hồ hay lưỡng lự giữa các lựa chọn, đã chủ động tìm gặp, nhắn tin riêng với cô nhờ tư vấn. Đến nay phần lớn học sinh trong lớp dự định chọn học nghề, xuất khẩu lao động; chỉ có 10 em nguyện vọng thi chuyên nghiệp, mà đa số là sư phạm”.

Giáo viên Trường THPT huyện Điện Biên trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, giúp các em lựa chọn được hướng đi phù hợp.

Thời điểm này em Quàng Văn Hải, lớp 12C3 cũng đang băn khoăn giữa 2 “con đường”, theo ngành kỹ thuật ô tô mà em yêu thích hay định hướng của gia đinh thi vào trường quân đội. Hải tâm sự: “Em vẫn muốn được đi theo ngành nghề mà mình đam mê. Em nhờ thầy cô tư vấn xem mình có thực sự phù hợp với hướng đi ấy. Bản thân em và các thầy cô đều nhận thấy thi vào trường quân đội là quá sức với em. Trong khi với kỹ thuật ô tô, em có thể xét học bạ. Vì vậy thầy cô cũng giúp em trao đổi, trò chuyện, phân tích cho gia đình để bố mẹ hiểu và ủng hộ”.

Tại Trường THCS và THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo) với 126 học sinh cuối cấp, việc tư vấn, hướng nghiệp được nhà trường thực hiện sớm và thường xuyên, nhưng thời điểm này càng được tăng cường. Trường phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho khối 12. Đến thời điểm hiện tại, học sinh nhà trường đã tiếp cận trực tiếp với 4 trường: Đại học Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Học viện Nông nghiệp, Cao đẳng Nghề Phú Thọ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng đã lên kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp vào cuối tháng 4.

Đại diện 1 trường đại học ngoài tỉnh đến tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề đào tạo cho học sinh Trường THCS – THPT Quài Tở.

Chính sự đồng hành của các trường cao đẳng, đại học giúp học sinh nắm được bức tranh tổng quan về nghề nghiệp tương lai trên thị trường lao động. Đồng thời thấy được bao quát môi trường học tập, đào tạo, cũng như bản chất của ngành nghề mình yêu thích, từ đó xây dựng phương pháp tiếp cận, theo đuổi hiệu quả.

Tuy nhiên cao đẳng, đại học không phải con đường duy nhất. Thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường định hướng cho những học sinh có lực học tốt tiếp tục học lên cao hơn với những nghề phù hợp và dễ xin việc. Như đối với sư phạm thì tư vấn các em có thể nghiên cứu ngành học mầm non, âm nhạc, mỹ thuật (mà tỉnh đang thiếu giáo viên). Một lựa chọn khác mà các em quan tâm là đi học nghề. Trường đã chủ động liên hệ với một số trường, đặc biệt là những nơi vừa đào tạo nghề vừa đi làm có lương trang trải việc học để giới thiệu cho các em. Với các học sinh không muốn học tiếp, thì Trường kết nối hoặc thông qua kênh giới thiệu việc làm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để các em tìm hiểu, tham gia tuyển dụng vào công ty miền xuôi”.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa.

“Ngoài cách làm trên, Trường còn giữ liên hệ với các cựu học sinh hiện đang làm cho các công ty, có công việc ổn định (trường có cựu học sinh hiện là quản đốc phân xưởng của Samsung Việt Nam). Để khi các em về địa phương có thể đến trường chia sẻ về cách thức lựa chọn, tìm việc làm, đồng thời kết nối, hướng dẫn nộp hồ sơ cho học sinh lớp 12 có dự định sau tốt nghiệp đi làm ngay” - thầy Bình cho biết thêm.

Quyết định học gì, làm gì sau tốt nghiệp THPT là bước ngoặt lớn, có thể tác động đến cả tương lai, vì vậy các em cần sự quan tâm, định hướng, tư vấn của nhà trường và gia đình để có lựa chọn phù hợp cho riêng mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top