Thái Nguyên cần ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật dạy nghề

09:42 - Thứ Tư, 10/07/2024 Lượt xem: 4758 In bài viết

Mặc dù kinh phí đầu tư cho dạy nghề từ các nguồn vốn của ngân sách là khá lớn, người dân có nhu cầu học nghề, nhưng đến nay Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên vẫn chưa tham mưu được cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật về đào tạo nghề để làm cơ sở cho các địa phương, ngành chức năng đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề sơ cấp (3 tháng), hoặc đào tạo nghề thường xuyên.

Dạy nghề điện tại Trường cao đẳng nghề Quân khu I ở thành phố Thái Nguyên.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đơn vị được giao Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, nguồn vốn giao công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm nay giải ngân rất thấp.

Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không thể triển khai được việc đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo nghề thường xuyên cho người dân trong độ tuổi lao động.

Nguyên nhân chủ yếu là do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật về đào tạo nghề, nên các đơn vị, địa phương không thực hiện được việc đặt hàng với các cơ sở để đào tạo sơ cấp nghề, đào tạo nghề thường xuyên.

Lý giải việc này, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Tỉnh đã xác định hơn 150 nghề để đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên, trong đó đã xác định 14 ngành nghề thiết yếu, phù hợp thực tế, người dân có nhu cầu để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với từng nghề là rất phức tạp, quy trình dài. Đó là cần từ 40-50 chuyên gia về đào tạo nghề nghiệp có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên đi khảo sát ít nhất tại 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với một nghề.

Do đó, để xây dựng được định mức kinh tế-kỹ thuật đối với hơn 150 nghề thì cần rất nhiều chuyên gia, mất rất nhiều thời gian và kinh phí tốn khoảng 22 tỷ đồng, nên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên chưa thể tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành định mức này.

Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật đối với đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên áp dụng chung trong toàn quốc.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn yêu cầu, Nghị định, thông tư hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đào tạo nghề đã được ban hành nhiều năm qua nên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cần lựa chọn một số ngành nghề phù hợp với thực tế, người dân có nhu cầu để xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật đào tạo nghề, làm cơ sở để các địa phương, đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề.

Những năm vừa qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ dạy nghề và nhiều đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn mong chờ tỉnh Thái Nguyên ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật đối với từng ngành nghề cụ thể để tạo thuận trong việc triển khai đặt hàng, hợp đồng dạy nghề cho người dân, bộ đội xuất ngũ một cách minh bạch, hiệu quả. Qua đó, góp phần thiết thực đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top