Nhiều giải pháp đảm bảo giáo viên cho năm học mới

06:53 - Thứ Bảy, 10/08/2024 Lượt xem: 5640 In bài viết

ĐBP - Thiếu giáo viên vẫn luôn là thách thức đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta những năm gầy đây. Năm học tới này (2024 – 2025) cũng không ngoại lệ, bài toán nhân lực vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để đảm bảo duy trì tốt việc dạy và học mùa khai giảng mới, nhiều phần việc, giải pháp đang hoặc dự kiến được thực hiện.

Huyện Điện Biên Đông chủ yếu thiếu giáo viên mầm non và giáo viên các môn chuyên, đặc biệt là Tiếng Anh. Hiện huyện đang thực hiện các khâu theo quy định để tuyển dụng bổ sung 45 biên chế ngành Giáo dục. Trong ảnh: Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông.

Thời điểm này hàng năm, các địa phương đang thực hiện tuyển dụng nhân lực giáo dục, bổ sung người làm việc cho năm học mới. Tuy nhiên năm nay chỉ có một số ít đơn vị, địa phương chuẩn bị có giáo viên, nhân viên mới, tuyển dụng theo chỉ tiêu được giao từ trước. Còn lại theo quyết định giao bổ sung mới đây, các huyện mới đang thực hiện các bước rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án, dự kiến tổ chức tuyển dụng vào những tháng cuối năm.

Cụ thể, ngày 26/6, UBND tỉnh phê duyệt quyết định giao bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập thuộc Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố năm học 2023 - 2024. Theo đó giao bổ sung 437 biên chế, phân bổ cụ thể cho Sở GD&ĐT và 9 huyện, thành phố (trừ TX. Mường Lay). Sau khi quyết định được ban hành, các đơn vị, địa phương bắt tay vào triển khai thực hiện theo quy trình quy định.

Huyện Điện Biên Đông được giao bổ sung 45 người làm việc. Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông cho biết:  “Huyện đang rà soát số nhân lực thiếu, luân chuyển thời gian vừa qua, tinh giản biên chế thời gian tới để tính toán, xây dựng kế hoạch, lên phương án tuyển dụng cụ thể. Tuy nhiên về cơ bản huyện đang thiếu nhất là giáo viên mầm non nên sẽ ưu tiên các vị trí này. Với các bậc tiểu học, THCS, chủ yếu thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học nhưng nguồn tuyển rất hạn chế, khó tuyển. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện các khâu thủ tục, trình xin ý kiến lãnh đạo huyện, gửi Sở GD&ĐT phê duyệt phương án, cố gắng tổ chức tuyển dụng vào tháng 10, 11”.

Năm học 2024 – 2025, theo định mức toàn ngành GD&ĐT tỉnh thiếu 2.076 giáo viên, trong đó thiếu nhất là giáo viên mầm non với 915 giáo viên. Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Ta Ma (huyện Tuần Giáo)

Cùng nỗi lo nhân lực đầu năm học mới, năm 2024, biên chế ngành GD&ĐT huyện Mường Nhé được giao là 1.306 người. So với biên chế đang thực hiện, Mường Nhé thiếu 512 người, trong đó thiếu 303 giáo viên; so với biên chế được giao, còn 176 vị trí chưa tuyển. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: “Để lấp đầy khoảng trống ấy, Phòng GD&ĐT đã trình UBND huyện đề án sáp nhập 4 trường tiểu học ở 2 xã Chung Chải và Nậm Kè thành 2 trường. Đồng thời, tham mưu, xin chủ trương tuyển dụng biên chế còn thiếu”.

“Trong tháng 6, huyện đã thông báo, thu hồ sơ tuyển dụng đợt 1 năm 2024 với 98 vị trí việc làm ngành giáo dục (trong đó 94 giáo viên) và đang thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu có giáo viên, nhân viên mới từ ngày 1/9. Dự kiến tháng 10, 11, huyện tuyển thêm 78 biên chế (75 biên chế mới được giao tháng 6/2024 và 3 biên chế chuyển công tác)” - ông Chùy cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2024 - 2025 theo định mức toàn ngành thiếu 2.076 giáo viên (915 mầm non, 522 tiểu học, 406 THCS, 233 THPT). Để chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo, căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng kịp thời để bổ sung giáo viên cho các cơ sở giáo dục đang còn thiếu. Theo đó, năm học này toàn ngành sẽ tuyển dụng mới 533 giáo viên (260 mầm non, 120 tiểu học, 119 THCS, 34 THPT); hợp đồng 434 giáo viên (208 mầm non, 93 tiểu học, 83 THCS, 50 THPT).

Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, đảm bảo dạy và học được đặt ra cho năm học mới, trong đó có điều động, biệt phái giáo viên, hỗ trợ dạy học trực tuyến...

Cùng với đó, để khắc phục khó khăn về nhân lực, ngành Giáo dục tiếp tục chủ trương thực hiện điều động, biệt phái giáo viên; căn cứ thực tế, phân công lao động hợp lý, khoa học, phát huy năng lực đội ngũ. Duy trì số lượng giáo viên hiện có, sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục đảm bảo yêu cầu dạy đủ các môn học, đảm bảo số tiết quy định đối với các môn học, tránh hiện tượng dồn ép chương trình, gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.

Đặc biệt năm học này, ngành Giáo dục dự kiến triển khai một số giải pháp mới, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngành huy động đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh có năng lực chuyên môn tốt tại các huyện Mường Chà, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ hỗ trợ dạy trực tuyến cho các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên Đông, đảm bảo học sinh được học đủ số tiết quy định trong chương trình của Bộ GD&ĐT. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh thuộc các cơ sở giáo dục tiểu học các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng tiếp nhận Chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh của các trường tiểu học thuộc quận Tân Phú, quận 1, quận 5, quận 6 và quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) từ năm học 2024 – 2025”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top