Quy mô đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tăng

12:25 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 3820 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, quy mô đào tạo đại học chính quy tăng, quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cũng đã và đang có xu hướng tăng trở lại là những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2024. Tuy vậy, giáo dục đại học (GDĐH) vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong ngắn và dài hạn.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2024 có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng đáng kể của lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y khi mà khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỷ lệ 10,59% so với năm 2023. Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo (CSĐT) cũng như người học đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Các CSĐT đã quan tâm sâu hơn việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và của từng địa phương, số lượng ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm có: Du lịch, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo… Toàn hệ thống đã có 204/239 cơ sở  GDĐH đã được kiểm định chất lượng, đạt tỷ lệ 85,35%; tổng số có 1.855 CTĐT các trình độ của GDĐH đạt kiểm định chất lượng. Trong đó, có nhiều cơ sở được kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài.

Kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống GDĐH Việt Nam trong những năm vừa qua cũng có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định, trong đó các cơ sở GDĐH cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước. Đáng chú ý, số bài báo của các cơ sở GDĐH công bố trên các ấn phẩm Scopus trong 3 năm từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2024 là 12.567 bài báo; trong đó, 67 cơ sở công bố nhiều nhất chiếm tới gần 84% tổng số bài của cả nước. Số lượng các trường đại học được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới ngày một tăng. Điều đó cho thấy, các cơ sở GDĐH đã ý thức rất rõ trách nhiệm kiểm định và coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng nhà trường và cũng là một tiêu chí để tăng cường hội nhập quốc tế.

Thông qua các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến thay đổi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra tiến tới theo năng lực của người học, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của cơ sở GDĐH.

Quy mô đào tạo thạc sĩ cũng có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng mạnh nhất của khối ngành đào tạo giáo viên (tăng 3.353 học viện tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023), khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật (tăng 3.205 học viên với tỷ lệ tăng 10,48% so với năm 2023)… Khối ngành Nghệ thuật cũng có sự chuyển biến do có sự quan tâm của bộ chủ quản, quy mô đào tạo thạc sĩ đã tăng tỷ lệ 39,12% nhưng số lượng tăng chỉ 178 học viên cao học.

Cơ sở giáo dục đại học luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước. Ảnh minh họa.

Quy mô đào tạo tiến sĩ bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó có sự tăng mạnh nhất của khối ngành Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng,… tăng 637 nghiên cứu sinh (NCS) với tỷ lệ tăng 33,32% so với năm 2023; khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 390 NCS với tỷ lệ tăng 57,52%; khối ngành Đào tạo giáo viên tăng 350 NCS với tỷ lệ tăng 51,32% ..

Chia sẻ tại hội nghị GDĐH năm 2024 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh những khởi sắc, GDĐH cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là thách thức về sự canh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống GDĐH. Đó là cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội; cạnh tranh ngày càng gay gắt khi học sinh Việt Nam hiện có hơn 200 nghìn đang du học nước ngoài.

Bên cạnh đó là thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam. Trong đó, thách thức đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn vừa qua là ví dụ. Ngoài ra, đó còn là thách thức của việc phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư thì còn rất khiêm tốn; thách thức đẩy mạnh tự chủ trong thời kỳ mới, đẩy mạnh chất lượng, chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.

Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là bài toán chất lượng, là tầm nhìn nhân lực cần có tính toàn cầu; cần liên kết quốc tế nhiều hơn để chủ động phán đoán xu hướng; đào tạo cơ bản, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chuyển đổi nhanh. Đây là tinh thần cần có để đáp ứng được yêu cầu nhân lực của nền kinh tế có độ mở, số lượng doanh nghiệp FDI lớn…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng GDĐH trong thời gian tới. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật Giáo dục đại học; quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên, tranh thủ nguồn lực Đề án 89 để hỗ trợ tối đa các trường đại học trong đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh, các trường thực hiện tự chủ nhưng cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top