Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

08:00 - Thứ Hai, 13/06/2022 Lượt xem: 2415 In bài viết

ĐBP - Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Trước tình trạng đó, ngành Ngân hàng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên thực hiện thủ tục cho vay vốn chính sách về nhà ở xã hội cho khách hàng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, NHNN đã theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, làm tốt công tác dự báo và điều hành hài hòa các công cụ chính sách, linh hoạt điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng, kiểm soát rủi ro để vượt qua thách thức. Trên địa bàn, Chi nhánh NHNN tỉnh Điện Biên đã luôn chủ động bám sát chỉ đạo, điều hành từ NHNN và cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời nắm bắt diễn biến thị trường tiền tệ ngân hàng ngoại hối trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo triển khai các nhiệm vụ ngành, không để xảy ra gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ tín dụng, ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân. Chi nhánh NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị dịch bệnh theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… để hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt sau khi dịch bệnh được đẩy lùi; chủ động tổ chức gặp mặt với khách hàng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, NHNN đã hành động kịp thời, giúp ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả trong công tác triển khai thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch. Đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ lũy kế đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 498,6 tỷ đồng (trong đó có 418,4 tỷ nợ gốc và 80,2 tỷ nợ lãi)/192 khách hàng; dư nợ hiện hữu đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 157,25 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 128,1 tỷ; nợ lãi 29,15 tỷ)/43 khách hàng. Tổng dư nợ lũy kế đã được miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ là 547,6 tỷ/320 khách hàng; số tiền lãi được miễn giảm lũy kế là 2,9 tỷ đồng; dư nợ hiện hữu được miễn giảm lãi vay là 472,2 tỷ/296 khách hàng. Doanh số cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh của các ngân hàng thương mại lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 7.582 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hiện hữu tính tại thời điểm báo cáo là 3.060 tỷ/1.384 khách hàng, chiếm 15,5% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên có dư nợ lũy kế được gia hạn nợ 44,6 tỷ/1.775 lượt khách hàng; dư nợ lũy kế được điều chỉnh kỳ hạn nợ là 12,5 tỷ/645 lượt khách hàng; cho vay mới lũy kế đạt 1.813 tỷ/37.334 lượt khách hàng. Thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động với số tiền 2,34 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Bởi vì, khi khách hàng gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không có khả năng trả nợ đúng hạn thì nguy cơ nợ xấu ngân hàng sẽ tăng. Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành Ngân hàng vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã “hi sinh” lợi nhuận để giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2020 đến nay, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Ngoài các chính sách về lãi suất, các TCTD cũng có nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, ứng dụng công nghệ 4.0 để gia tăng tiện ích cho khách hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ; cho vay qua sổ tín dụng; vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội; cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay; triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự vào cuộc tích cực của hệ thống TCTD, đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 14.062 tỷ đồng, tăng 15,17% so với năm 2020 (14.062/12.210 tỷ đồng), đạt 106,6% kế hoạch đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng thực hiện đến 31/12/2021 là 19.738 tỷ đồng, tăng 5,92% so với năm 2020 (19.738/18.634 tỷ đồng). Nợ xấu của các NHTM, NHCSXH thực hiện đến ngày 31/12/2021 là 226 tỷ đồng, chiếm 1,15%/tổng dư nợ, nằm trong mức mục tiêu đề ra từ đầu năm dưới 2%.

Hiện nay, toàn xã hội đã bước vào trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn”, năm 2022, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tháng 3/2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Theo đó, tính đến ngày 23/5, thực hiện các chương trình chính sách tín dụng xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân được 44,303 tỷ đồng tới 628 khách hàng, đạt 31,92% kế hoạch, gồm: Chương trình giải quyết việc làm (37,813 tỷ đồng với 540 khách hàng); cho vay nhà ở xã hội (5,84 tỷ đồng với 23 khách hàng); chương trình học sinh, sinh viên (HSSV) mua máy tính (650 triệu đồng với 65 khách hàng). Các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top