Nhiều khó khăn trong phát triển điện mặt trời

07:22 - Thứ Bảy, 25/06/2022 Lượt xem: 3983 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các loại hình sản xuất điện năng như điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, thủy điện tích năng.

Hệ thống điện áp mái của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phú Mỹ ở phố 12, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ).

Địa phận tỉnh Điện Biên có 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Đặc điểm chung của các sông suối trong tỉnh là có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh. Bên cạnh đó, Điện Biên là một trong hai tỉnh (cùng với Sơn La) có bức xạ nhiệt trong ngày lớn nhất miền Bắc và với nhiều kiểu địa hình khác nhau, phổ biến là địa hình núi cao được tạo bởi những dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông tạo những khu vực có tiềm năng gió rất tốt và ổn định. Đây là những tiềm năng kỹ thuật lớn trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các công trình thủy điện vừa và nhỏ, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án điện mặt trời được đầu tư xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Trên địa bàn tỉnh chỉ có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất nhỏ hơn 1MWp, chủ yếu lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình, nhà xưởng và một số công trình nông nghiệp thuộc dự án trồng cây công nghệ cao, không chiếm dụng diện tích đất dự án (tận dụng diện tích trên mái nhà) nên không phải thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Toàn tỉnh hiện có 476 khách hàng đã đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 28,916 kWp. Các dự án điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và đã dừng tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt từ 1/1/2021 do chưa có chính sách và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Theo thông báo của Công ty Điện lực Điện Biên, đối với những hợp đồng điện mặt trời áp mái ký trước ngày 30/12/2020, Công ty vẫn tiếp tục thu mua thông qua công tơ điện đo đếm 2 chiều giao và nhận. Còn đối với các tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái sau ngày 30/12/2020 nếu có hòa vào lưới điện cũng không được chi trả. Đồng thời, Công ty tăng cường kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái, không để xảy ra tình trạng khách hàng tự tăng công suất so với hợp đồng mua bán điện đã ký và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra các khách hàng điện mặt trời áp mái tại địa phương.

Bên cạnh những bất cập từ cơ chế, chính sách, việc phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc lớn vào thời tiết, thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phú Mỹ là một trong những doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái lớn tại TP. Điện Biên Phủ với công suất 800kWh, tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phú Mỹ cho biết: Thời gian qua thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng đến sản lượng điện của Công ty. Với vốn đầu tư lớn mà sản lượng theo quy trình không đạt đã khiến kế hoạch tài chính của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết thời gian tới, điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn hiện nay tỉnh ta đang huy động nguồn lực để tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng về giao thông nhằm thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn. UBND tỉnh đã cho phép 4 nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 1.480 MW.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top